Hoại tử cánh tay sau 5 ngày bị chó cắn: Cách tránh nhiễm khuẩn huyết?

Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính gây hoại tử vùng tổn thương và dẫn tới nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng cần biết sớm để điều trị kịp thời.

Viêm mô bào do chó cắn

Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.T 65 tuổi đến từ Hải Phòng nhập viện trong tình trạng: Sốt cao 38 – 39.5 độ, mệt mỏi, toàn bộ bàn tay, cẳng tay, cánh tay phải sưng nề đỏ, đau nhức. Lòng và mu bàn tay có nhiều nốt mụn mủ thành mảng kích thước 1x2 cm trên bề mặt da căng nề cứng, có rỉ dịch vàng.

Khai thác tiền sử được biết, trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân bị chó nhà cắn vào ngón trỏ bàn tay phải, xước da chảy máu ít. Bệnh nhân tự vệ sinh vết thương phần mềm bằng nước muối. Sau 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải, đau nhức nhiều, phần sưng nề lan nhanh lên cẳng tay, cánh tay, kèm theo sốt nóng, gai rét.

Bệnh nhân tự dùng thuốc tại nhà không đỡ nhập viện Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa được chẩn đoán: Viêm mô bào bàn tay, cánh – cẳng tay phải theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Điều trị kháng sinh 2 ngày đầu, tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tiến triển nặng, vùng viêm tấy tiếp tục lan rộng, xuất hiện viêm phổi 2 bên.

Tay bệnh nhân bị hoại tử sau 5 ngày bị chó cắn - Ảnh BVCC

Tay bệnh nhân bị hoại tử sau 5 ngày bị chó cắn - Ảnh BVCC

Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phác đồ điều trị tối đa, các điều dưỡng viên chăm sóc chu đáo tận tình. Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa đã phối hợp với Khoa Can thiệp chẩn đoán hình ảnh và Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện chấn thương chỉnh hình chọc hút ổ áp xe vùng mu bàn tay phải, chích rạch tháo mủ.

Bằng sự tận tình trong điều trị và chăm sóc tỉ mỉ, sát sao, bệnh nhân dần dần ổn định, bàn tay, cánh – cẳng tay phải đỡ sưng nề rõ, tổn thương da phục hồi dần, thân nhiệt trở về bình thường.

BS, Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính. Nguyên nhân thường do Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da. Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.

Những biểu hiện của viêm mô bào như sau:

• Nhiễm khuẩn mô mềm thường đau nhanh, tụt huyết áp, mê sảng hoặc sưng nề da.

• Đỏ da tại chỗ và đau thường phổ biến ở chi dưới.

• Da sưng, nóng, đỏ; màu tổn thương giống với màu cam và ranh giới không rõ ràng (trừ viêm quầng).

• Xuất huyết dưới da.

• Bọng nước phát triển và vỡ, có thể hoại tử da ở vùng tổn thương

• Sốt, ớn lạnh, tim đập nhanh, nhức đầu, tụt huyết áp và mê sảng thường xuất hiện trước các biểu hiện lâm sàng, nhưng cũng có thể không xuất hiện.

Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở các lớp sâu của da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, phòng tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

Tổn thương nhỏ nhiễm trùng lớn

Bác sĩ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, viêm mô tế bào là một nhiễm trùng da gây đau đớn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da qua các tổn thương như vết xước, vết côn trùng đốt, vết cắn, bỏng,...

Tổ chức viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. Khi bị viêm mô tế bào thường có biểu hiện: sốt, đỏ da lan rộng quanh vùng vết thương; sờ vào vùng da đỏ có cảm giác ấm, ấn đau, đôi khi thấy phù nhẹ khu trú, đặc biệt là vết thương ở gần vùng khớp, một số ít trường hợp có hạch gần nơi vết thương.

Các triệu chứng nghiêm trọng của viêm mô tế bào: Mệt mỏi, chóng mặt , đau đớn, run rẩy, đổ mồ hôi...Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.

Một số yếu tố nguy cơ cũng làm tăng khả năng mắc chứng viêm mô tế bào như: Hệ miễn dịch yếu; Mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema và nấm bàn chân; Sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch; Mắc bệnh tiểu đường; Đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào...

Vi khuẩn tiết ra độc tố gây hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi..), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (các ở viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu, tổn thương suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.

Viêm mô tế bào có thể ở tình trạng viêm mô liên kết lan tỏa mức độ nhẹ kéo dài vài ngày nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh có thể gây hoại tử, áp xe dưới da, viêm cơ, cân cơ, vào các hạch lympho, vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não... và những nhiễm khuẩn nặng khác, bệnh nhân có thể tử vong.

Viêm mô tế bào là bệnh nguy hiểm nhưng đối với trường hợp được phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần làm sạch vết thương, cắt lọc các mô hoại tử (nếu có) và dùng kháng sinh đường uống trong khoảng từ 10 ngày – 21 ngày. Độ dài của đợt điều trị bằng kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Ngay cả khi sau vài ngày điều trị, các triệu chứng đã được cải thiện nhưng người bệnh vẫn cần phải sử dụng hết kháng sinh để diệt mầm bệnh.

Những đối tượng đã mắc sẵn một số bệnh khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mô tế bào nên hết sức thận trọng và lưu ý: Giữ ẩm cho da để phòng ngừa nứt nẻ; Điều trị khỏi dứt điểm những nhiễm trùng nông trên da như bệnh nấm da chân; Đeo các thiết bị bảo vệ khi làm việc và chơi thể thao; Kiểm tra chân hàng ngày để phát hiện sớm những chấn thương và nhiễm trùng...

Cách phòng bệnh

Khi da có vết thương hở, hãy làm sạch vết thương và bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh đều đặn. Băng vết thương lại bằng băng gạc vô trùng và thay băng hàng ngày cho tới khi vết thương liền sẹo.

Tuyệt đối không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.

Hãy theo dõi vết thương nếu có xuất hiện các vết đỏ xung quanh, vết thương tiết dịch mủ hay gây đau. Đây là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng, cần đi khám để tránh tình trạng nặng nề.

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì nhóm vi khuẩn tụ cầu cần được điều trị bằng nhóm kháng sinh đặc hiệu.

Theo VietnamDaily
back to top