Ngày 25/9, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM cho biết, bệnh viện vừa thực hiện hóa trị cấp cứu phác đồ CEOP 1 chu kỳ, cứu sống bệnh nhân bị ung thư hệ bạch huyết 9 năm tái phát.
Theo đó, bệnh nhân là chị N.T.T.M (34 tuổi, Củ Chi) từng điều trị ung thư hạch bạch huyết cách đây 9 năm nhưng không tái khám thường xuyên. Khi đó chị được chẩn đoán bị lympho không Hodgkin (một loại ung thư hạch bạch huyết) giai đoạn IIAE, tế bào B lớn lan tỏa với CD20 (+). Chị đã được hóa trị R-CHOP 8 chu kỳ tại một bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh.
Một năm nay, chị M. bắt đầu nổi hạch cổ nách bẹn hai bên, hạch lớn dần nhưng chị chủ quan không đi tái khám. Cách đây hai tuần, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nặng ngực, khó thở kèm sưng phù vùng mặt, cổ, ngực nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á nhập viện.
Thăm khám cho người bệnh - Ảnh BVCC |
Tại Khoa ung bướu, các bác sĩ tiến hành thăm khám phát hiện sưng nề hai vú, hạch ở hai bên vùng cổ, nách, bẹn xuất hiện nhiều với đường kính gần 4cm. Kết quả chụp X- quang phổi phát hiện hạch trung thất to, tràn dịch màng phổi 2 bên.
Dựa trên kết quả thăm khám, cận lâm sàng và kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ Khoa Ung Bướu chẩn đoán chị M. mắc Lympho không Hodgkin giai đoạn IIAE tái phát.
BS.CKII. Đỗ Ngọc Phương, Trưởng đơn vị hóa trị Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết: “Khi người bệnh nhập viện, hạch trung thất to gây chèn ép khí quản, chèn ép tĩnh mạch chủ trên làm bệnh nhân khó thở, cản trở lượng máu về tim gây phù mặt cổ ngực, nếu không hóa trị khẩn cấp, bệnh nhân có thể tử vong.
Vì thế, các bác sĩ đã khẩn cấp hội chẩn, với kinh nghiệm điều trị nhiều ca bệnh u Lympho Hodgkin và không Hodgkin, các bác sĩ đã lựa chọn hóa trị cấp cứu phác đồ CEOP 1 chu kỳ.
Sau khi hội chẩn và giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh, hướng điều trị, những rủi ro của hóa trị cho bệnh nhân và người nhà thông hiểu, các bác sĩ Khoa ung bướu quyết định hóa trị khẩn cấp phác đồ CEOP 1 chu kỳ (do đánh giá bệnh nhân đã từng đáp ứng hoàn toàn với phác đồ CHOP trước đó, chỉ cần thay Doxorubicin bằng Epirubicin để giảm độc tính trên tim), điều trị dự phòng hội chứng ly giải tế bướu và kích bạch cầu dự phòng.”
Phác đồ CEOP gồm 4 loại thuốc: Cyclophoshamide, Epirubicin, Vincristin và Prednisone. Đây là phác đồ tiêu chuẩn trong điều trị lympho không Hodgkin.
Sau ba ngày hóa trị, bệnh nhân giảm phù mặt, cổ, ngực và không rơi vào hội chứng ly giải bướu. Sau hai tuần hóa trị, bệnh nhân khỏe hẳn, giảm khó thở nhiều, giảm sưng phù mặt, cổ, ngực. Bệnh nhân được sinh thiết hạch cổ trái và đang chờ kết quả sinh thiết để hóa trị tiếp.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng; sự chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, các bác sĩ Khoa Ung Bướu đã cứu sống một tính mạng trong tình huống nguy kịch, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
“Khi phát hiện hạch ở vùng cổ, nách hoặc bẹn thì nên đến bệnh viện có chuyên Khoa Ung Bướu để thăm khám sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý ung thư hạch như Lympho Hodgkin, Lympho không Hodgkin vì đây là loại ung thư có thể điều trị khỏi bằng hóa trị.” - Các bác sĩ khuyến cáo.