Họa sĩ Kim Đức: Làm cho người khác an vui cũng là làm cho mình được an vui

(khoahocdoisong.vn) - Là một người phụ nữ đa tài, sắc sảo trên thương trường, nhưng chị có trái tim vô cùng nhân hậu và đầy lòng trắc ẩn. Chị là họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, Chủ tịch quỹ tranh Butta, nhà sáng lập mạng xã hội Butta.vn, người tặng tranh cho các bệnh viện giúp bệnh nhân và mọi người an lạc...
Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức và tác phẩm Xứ Đoài Mây Trắng của cố nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng.

Nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức và tác phẩm Xứ Đoài Mây Trắng của cố nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng.

Cần nhất là tinh thần lạc quan

Chào chị! Nhân duyên nào đưa chị đến với hội họa?

Tôi cũng không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ tôi bén duyên nghệ thuật từ rất sớm, từ khi còn nhỏ. Tôi sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, là con gái thứ năm của nhà văn Nguyễn Sơn Đỗng – tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Xứ Đoài Mây Trắng. Quê hương tôi nằm trong vùng văn hóa lâu đời, có làng "hai vua" Ðường Lâm, có ngọn núi thiêng Tản Viên - Ba Vì gắn với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh; có rối nước truyền thống Thạch Xá, Thạch Thất... Xứ Đoài vốn là một vùng quê đậm đà bản sắc văn hóa với 16 làng nghề nổi tiếng: Dệt lụa, làm quạt giấy, dép dứa, làm mộc, thợ nề, làm mành trúc, bánh kẹo, đan thuyền... Dân gian có câu Tổng Nủa (thuộc Thạch Thất ngày nay) ngang dọc tám thôn/Ðất khôn dụng võ, khéo khôn trăm nghề...

Thế giới biết đến chị qua bức tranh Cover Of Future (Vỏ tương lai) được ban tổ chức Đại lễ Phật đản quốc tế Vesak 2019 chọn làm quà tặng cho các lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới. Chị có chia sẻ gì về điều này?

Khi còn nhỏ, tôi từng nhiều lần chứng kiến cảnh cháy rừng. Nhìn từng mảng cây xanh bị những lửa thiêu rụi, ánh nắng chiều run rẩy gãy đôi, các sinh vật cuống cuồng gắng sức thoát ra khỏi biển lửa, thật sự rất tàn khốc. Đó là lý do hơn 10 năm qua tôi và các cộng sự đã âm thầm tiến hành trồng hàng triệu cây xanh từ Quảng Trị tới Điện Biên, phủ xanh các trường học, nghĩa trang, vùng có chất độc da cam, vùng ngập mặn và vùng hải đảo. Nhưng tôi nghĩ mình có trồng hàng triệu cây xanh đi nữa mà ý thức con người không thay đổi cũng không thể cứu được môi trường. Vì thế tôi sáng tác bức tranh Vỏ tương lai. Những gam màu tối không có sức sống thể hiện cho cây cối và mặt đất đang bị tàn phá kinh khủng. Hình ảnh nước biển đang dần xâm chiếm đất liền và một bầu không khí u uất, ô nhiễm nặng nề, sự bơ vơ của thế giới động vật trước thảm họa thiên tai... Tôi muốn lột tả mạnh mẽ sự tàn khốc mà con người tác động đã hủy hoại thiên nhiên như thế nào để thức tỉnh mọi người.

Bức tranh "Vỏ tương lai".

Bức tranh "Vỏ tương lai".

Gần đây chị lại cùng quỹ Butta trao tặng rất nhiều tranh giúp cải thiện môi trường các bệnh viện. Vì sao vậy?

Đức Phật dạy, nếu người nào luôn đem niềm vui đến cho người khác thì nhất định người đó rất hạnh phúc. Người nào làm cho chúng sinh hoan hỉ cũng chính là làm cho chư Phật hoan hỉ. Trong cuộc sống, chúng ta cần làm cho mọi người sống vui vẻ và tràn đầy hy vọng. Vì vậy, tôi và quỹ tranh Butta mong muốn mang đến cho bệnh nhân và các y bác sĩ những khoảnh khắc thư giãn, an yên thông qua ngắm tranh. Thêm nữa, tôi muốn nhắn nhủ tới các bệnh nhân: “Cuộc sống đôi khi thật khắc nghiệt, khi bạn không thể giải quyết được vấn đề thì cái cần nhất đó là tinh thần lạc quan”.

Vậy theo chị các tác phẩm hội họa góp ích gì cho bác sĩ và bệnh nhân?

Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế. Cho nên, bên cạnh điều trị của các bác sĩ thì việc tác động bằng các liệu pháp tạo các nguồn năng lượng tích cực bằng tinh thần và tâm lý đối với người bệnh là hết sức quan trọng. Do đó, quỹ tranh chọn treo tặng những bức tranh mang năng lượng tích cực như: Tình yêu, tình thân, thiên nhiên tươi đẹp, hoạt động rèn luyện sức khỏe, tĩnh vật tươi sáng,... Hy vọng khi ngắm những bức tranh, mọi người sẽ được truyền tới năng lượng tích cực, thêm yêu đời, yêu cuộc sống, sớm khỏi bệnh để trở về với cuộc sống đời thường. Các bác sĩ cũng có thêm những giây phút thư giãn, thêm năng lượng để tiếp tục làm việc, chăm sóc bệnh nhân.

Một buổi trao tặng tranh cho bệnh viện.

Một buổi trao tặng tranh cho bệnh viện. 

Người cho đi là người giàu có nhất

Sáng tác hàng trăm bức tranh để tặng cho các bệnh viện định kỳ liên tục trong một thời gian ngắn, chị và các họa sĩ có áp lực không?

Mỗi tháng tặng từ 35 - 50 bức tranh sơn dầu đòi hỏi một sự miệt mài sáng tác không hề nhỏ. Vạn sự khởi đầu nan. Tôi đang nỗ lực để từ một đốm lửa nhỏ thành một đám lửa lớn, lan tỏa ánh sáng đến cho mọi người. Tôi tin sau một thời gian mọi người sẽ thấy đây là một hoạt động rất nhân văn và chắc chắn khi đó sẽ có nhiều người khởi tâm cống hiến. Hiện nay, ngoài nỗ lực vẽ hàng ngày tôi sưu tầm các bức tranh và kêu gọi mọi người vẽ ủng hộ. Nhiều họa sĩ cũng sẵn sàng đóng góp vì con người ai cũng muốn hướng thiện...

Trong những phát ngôn của chị có rất nhiều thông điệp của Phật giáo. Chị bén duyên nhà Phật từ khi nào?

Năm 2012 tôi vẽ một bức sen, rồi bức Phật Bà Quan Âm. Các thầy có nói vẽ được sen và Phật Bà là có duyên công đức vô lượng. Từ đó tôi phát tâm cùng gây dựng mạng xã hội Phật giáo Việt Nam Butta và quỹ tranh Butta Sweet Life để quảng bá tinh thần nhân ái của Phật giáo. Tôi hy vọng những bức tranh mang tinh thần lạc quan, tràn đầy năng lượng sẽ gắn kết mọi người để cùng nhau làm những điều tốt đẹp. Đức Phật có dạy: “Người cho đi là người giàu có nhất”. Vì vậy, tôi mong muốn mọi người cùng chia sẻ tính nhân văn, nét đẹp văn hóa của người Việt để những điều tốt đẹp được thăng hoa, và ai cũng đến được với tâm thế an lạc.

Vậy với chị vẽ tranh có phải là một phương pháp giải tỏa stress, cân bằng cuộc sống?

Ngày xưa cứ nghĩ khi buồn, thật buồn thì sẽ vẽ được bức tranh xuất sắc. Nhưng giờ thì mình thấy khi buồn không vẽ được gì. Trong trạng thái vui vẻ thoải mái thì sẽ vẽ được những cảm xúc rất đẹp. Ban ngày mình đi làm cho một tập đoàn của Singapore nên khá bận, chỉ tối mới có thời gian ngồi vẽ. Có những đêm thức đến khuya vì khi sáng tác nó liền mạch và say sưa quên hết... Vẽ tranh là một hoạt động thư giãn và cân bằng cuộc sống rất tốt.

Tại sao trước kia mọi hoạt động xã hội chị đều làm âm thầm, giờ thì ngược lại?

Hơn 10 năm trồng cây tôi không thích xuất hiện trước công chúng. Gần đây một bạn bên Trung ương Đoàn cùng tham gia giúp tôi trồng cây nói rằng: Đừng "anh hùng Núp" nữa, phải xuất hiện trước công chúng để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Tôi nhận thấy những cái mình làm được đóng góp không thấm vào đâu so với sự biến đổi của môi trường. Do đó, tôi quyết định xuất hiện để mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới tất cả mọi người.

Tôi tin rằng ngày càng có thêm nhiều tổ chức, cá nhân, các họa sĩ và người dân thuộc các lĩnh vực cùng tham gia. Con người Việt Nam chúng ta rất giỏi sáng tạo. Chúng ta đã có những con đường tranh, bức tranh trên cây, trên bốt điện, trên những bức tường góp phần thay đổi diện mạo thành thị đến nông thôn. Giờ đây, tranh làm đẹp cho bệnh viện, giúp ích cho bệnh nhân và bác sĩ, đó là điều ý nghĩa nhân văn to lớn.

Thông điệp của Phật giáo là nhân ái từ bi. Tôi mong cộng đồng không chỉ chung tay tặng tranh đến tất cả các bệnh viện trong nước mà còn tặng cho cả các bệnh viện nước ngoài để lan tỏa thông điệp Việt Nam yêu thiên nhiên, yêu hòa bình và yêu nghệ thuật.

Xin cảm ơn chị!

Họa sĩ Kim Đức tên thật là Nguyễn Thị Kim Đức, Chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch nghệ thuật quốc tế Local Art, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh, là nhà sáng lập mạng xã hội Butta đầu tiên cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Chị là tác giả bức tranh “Vỏ tương lai” (Cover Of Future) nổi tiếng thế giới với thông điệp mạnh mẽ về môi trường và biến đổi khí hậu, được in làm quà tặng cho các quan chức cao cấp, lãnh đạo phật giáo trên thế giới tại đại lễ Vesak 2019.

Theo Đời sống
back to top