Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vừa khởi động dự án Bảo tồn Môi trường sống Ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án kéo dài 3 năm.
Đồng bằng sông Cửu Long và các cụm đảo xung quanh là nơi sinh trưởng của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng, vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành môi trường thuận lợi phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam.
Các khu rừng ngập mặn là nơi sinh sản cho các loài như cá chẽm, cá hồng và nhiều loài thuỷ sản có ý nghĩa thương mại khác cũng như bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi nước biển dâng do bão. Tuy nhiên rừng ngập mặn hiện đang bị thu hẹp do mực nước biển dâng.
Các hệ sinh thái ngư nghiệp quan trọng ở đây cũng đang bị đe dọa do áp lực môi trường như hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng và nhu cầu khai thác nước ngầm cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt gần bờ. Trữ lượng cá hiện đang bị cạn kiệt, gây ra nhiều thiệt hại về sinh thái.
Dự án sẽ tập trung tại các vùng bờ biển thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất của đồng bằng dọc theo Biển Đông, Biển Tây, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, cũng như tại ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây (Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du).