Theo PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM), Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở vùng hạ lưu, tiếp giáp biển và có địa hình thấp và phẳng; cao độ trung bình so với mực nước biển chỉ vào khoảng 1,0 - 1,8m.
Hoạt động khai thác tài nguyên đất, nước và nạn phá rừng quy mô lớn tại các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đã làm biến đổi sâu sắc chế độ dòng chảy và phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bên cạnh đó, nước biển dâng cùng với suy giảm lưu lượng thượng nguồn làm cho tình trạng xâm nhập mặn vùng duyên hải ĐBSCL ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Điển hình là đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2016 và 2019,” PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang chia sẻ.
Hơn thế nữa, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống đê bao, đô thị hóa cùng với các hoạt động kinh tế - xã hội khác càng làm gia tăng đáng kể rủi ro lũ lụt, sụt lún, bê tông hóa, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học,... ở đồng bằng.
Biến đổi khí hậu, nhiệt độ trong khu vực đã tăng 1,3 - 1,40C trong các năm từ 1986 đến 2014 và dự báo sẽ tăng 1,9 - 3,50C vào năm 2099, đã làm thay đổi chế độ mưa và nhiệt độ góp phần gây ra hạn hán nghiêm trọng.
ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây của cả nước.
Do vậy, với cơ cấu sản xuất chính là nông nghiệp (lúa và cây ăn quả) và nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) chủ yếu dựa vào nguồn nước nên biến động tài nguyên nước là rất nhạy cảm đối với sinh kế của khoảng 18 triệu người dân trong vùng này.
Những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất và lượng của nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói trên rất khó thay đổi. Vì vậy, PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang đề xuất, giảm thiểu rủi ro theo hướng tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ mức độ phơi nhiễm thay vì cố gắng giảm nhẹ nguy cơ cũng như tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho ĐSBCL.