“Hô biến” viên sủi Tensicare thành thuốc điều trị cao huyết áp

Viên sủi Tensicare công dụng hỗ trợ giảm biểu hiện tăng huyết áp, nhưng lại được quảng cáo như thuốc điều trị cao huyết áp.

Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Tensicare vi phạm quy định của pháp luật, quảng cáo không đúng công dụng sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.

Chuyên gia quảng cáo TPBVSK Tensicare như thuốc chữa bệnh

Theo khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, phớt lờ “tráp” của Cục An toàn thực phẩm, trên nhiều trang mạng, nhất là các website đã bị cảnh báo, vẫn quảng cáo thổi phồng công dụng TPBVSK Tensicare.

Trên trang https://www.tensicare.vn/ giới thiệu “Viên thuốc được điều chế dạng sủi giúp hấp thụ và giảm huyết áp nhanh hơn gấp 5 lần”. Trong khi đó, website https://www.buy24h.click/tensicare/? tiếp tục đăng tải ý kiến chuyên gia để - TS.BS Hoàng Tiến Dũng (12 năm kinh nghiệm điều trị bệnh cao huyết áp) cho rằng: "...Cá nhân tôi trong nhiều năm qua cũng đã khuyên các bệnh nhân của tôi sử dụng sản phẩm Tensicare để ổn định huyết áp của mình. Thậm chí, các bệnh nhân đột quỵ sau khi sử dụng Tensicare sau một thời gian, tình trạng đã khỏe mạnh hơn. 97% bệnh nhân sau khi sử dụng Tensicare đều cảm thấy các triệu chứng như đau đầu, đau nửa đầu, chóng mặt, ù tai đã biến mất".

Cục ATTP cảnh báo viên sủi Tensicare vi phạm Luật Quảng cáo.

Cục ATTP cảnh báo viên sủi Tensicare vi phạm Luật Quảng cáo.

Thổi phồng công dụng hơn nữa, trên trang https://suckhoetoday.info/vien-sui-tensicare.html giới thiệu “Công dụng điều trị huyết áp của thuốc Tensicare trị tận gốc cao huyết áp, thoát khỏi nguy cơ đau tim và đột quỵ, thúc đẩy quá trình làm sạch mạch máu”; đồng thời, đưa ý kiến của PGS.TS Trần Phú Vinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội để quảng cáo cho sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua dù Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... đã vào cuộc xử lý quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể. Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh không chỉ tạo hiểu lầm cho người dân, mà còn gây nên sự bất bình đẳng với doanh nghiệp chân chính, cần xử nghiêm.

Đại diện nhãn hàng Vũ Tuấn Trung “vòng vo… ngừng kinh doanh”

Qua tìm hiểu được biết, TPBVSK Tensicare do Công ty TNHH Nature Origin (địa chỉ trụ sở chính: số 152 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm sản phẩm, do ông Vũ Tuấn Trung làm đại diện.

Để thông tin được khách quan và đa chiều, ngày 28/3, PV đã liên hệ đến Công ty Nature Origin (TP HCM). Trả lời về việc TPBVSK Tensicare quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm, không đúng nội dung cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, dù Cục ATTP đã cảnh báo? Ông Vũ Tuấn Trung vòng vo cho rằng: “Bên em đã ngừng kinh doanh sản phẩm từ lâu rồi, đã làm việc với Cục ATTP. Để em kiểm tra lại các thông tin xem sao”!?

TPBVSK Tensicare sử dụng hình ảnh BS, chuyên gia để quảng cáo sản phẩm.

TPBVSK Tensicare sử dụng hình ảnh BS, chuyên gia để quảng cáo sản phẩm.

Trao đổi với nhiều người tiêu dùng bị “lừa” TPBVSK Tensicare như thuốc chữa bệnh cao huyết áp, bà Trần Thu Hoài (55 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP HCM) cho hay: “Tôi từng là nạn nhân của việc tin theo quảng cáo TPCN điều trị bệnh cao huyết áp Tenicare mà mua qua người quen kinh doanh. Tôi đã đi bệnh viện khám sau khi uống tiền triệu sản phẩm, mà không tác dụng gì”.

“Không rõ tới bao giờ cơ quan chức năng xử lý triệt để các nhãn hàng thực phẩm chức năng cố tình quảng cáo vi phạm như thuốc để bẫy người tiêu dùng mua. Mất tiền một nhẽ, mà nhiều khi tật mang”, ông Trần Văn Nam (60 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) bức xúc nói.

TPBVSK Tensicare được “nổ” công dụng như thuốc trị bệnh.

TPBVSK Tensicare được “nổ” công dụng như thuốc trị bệnh.

“Nên phạt nặng công ty chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, xử lý dứt điểm, truy đến cùng, chủ trang web và công ty đó phải cùng chịu trách nhiệm về thông tin quảng cáo sai phạm. Thương nhân chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm không thể nói ‘tôi vô can với thông tin sản phẩm của tôi quảng cáo khống trên trang web A, B, C…’. Nếu anh không trực tiếp quảng cáo thì anh phải có trách nhiệm làm việc với đại lý, khách hàng khi họ quảng cáo sai sự thật về công dụng sản phẩm”, ông Đỗ Viết Minh (Ngụ quận 12, TP HCM) nêu ý kiến./.

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức, Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên Zalo, Google, Facebook, YouTube...

Qua thanh tra, kiểm tra, Cục này còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.

"Không có thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh. Tất cả nội dung quảng cáo trên đều không được cơ quan chức năng thẩm định", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Theo Đời sống
back to top