Hiểu về biến thể Delta

(khoahocdoisong.vn) -Biến thể Delta là chủng virus lây qua không khí, có thể ngay lập tức bám vào người trong vài giây tiếp xúc, làm dịch bệnh lây lan khó lường…  khiến không ít người hoang mang.

Không có virus lây qua không khí chung chung

GS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, tình hình đại dịch, nhất là ở TPHCM và các tỉnh phía Nam đang vẫn rất căng thẳng. Lướt qua các phương tiện truyền thông, thấy đâu đó có các tin bài như: "Biến thể Delta là chủng virus thống trị thế giới" hay "Biến thể Delta trở thành "biến chủng thống trị toàn cầu"...". "Quái vật Delta kéo tụt chiến thắng cận kề của Mỹ trước Covid-19", rồi thì "Delta... nhẹ hơn... lây qua không khí...". Vậy thì biến thể Delta có nghiêm trọng đến thế không?

Xin nói luôn là: Biến thể Delta thì cũng như Alpha, Beta, Gamma hay gì gì nữa, cũng là SARS-CoV-2, có khối lượng hạt virus tương đương (không nặng, không nhẹ hơn nhau là bao) và đều lây không phải "qua không khí" chung chung, mà là "qua không khí có chứa các giọt bắn hay giọt nhỏ li ti do người bị nhiễm hắt hơi, ho, kêu, gào, nói, hát... bắn ra" ở cự ly < 2m, hay trong phòng kín không thoáng gió, mà ta hít phải hay bay vào mắt, mũi, miệng...

Vậy thì con “quái vật” Delta là gì? Chẳng lẽ con người ta với bộ gene (hay hệ gene) với kích thước ~3 tỷ nucleotide, lớn hơn con coronavirus (với hệ gene ~30 ngàn) cả 100 ngàn lần, lại chịu thua nó hay sao? “Quái vật Delta lẩn trốn hệ miễn dịch như thế nào?

GS.TS Nông Văn Hải cho biết thêm, dòng nhánh SARS-CoV-2 B.1.617 được xác định vào tháng 10/2020 tại Ấn Độ. Kể từ đó, nó trở nên thống trị ở một số khu vực Ấn Độ, Vương quốc Anh và lan rộng hơn sang nhiều quốc gia. Dòng nhánh này bao gồm 3 kiểu phụ chủ yếu (B1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3), chứa các đột biến (protein) gai đa dạng ở vùng đầu N (NTD) và vùng liên kết thụ thể (RBD), có thể làm tăng khả năng né tránh miễn dịch của chúng. B.1.617.2, cũng được gọi là biến thể Delta, được cho là lây lan nhanh hơn các biến thể khác.

11 ngày có 1 đột biến mới

Kết quả nghiên cứu cho thấy, biến thể Delta đã kháng lại sự trung hòa bởi một số mAbs kháng NTD và kháng RBD, bao gồm Bamlanivimab, bị suy giảm khi liên kết với (protein) gai. Sự lây lan của biến thể Delta có liên quan đến việc trốn tránh khỏi các kháng thể nhắm vào các vùng quyết định kháng nguyên không phải RBD và RBD của (protein) gai.

GS.TS Nông Văn Hải cho hay, biến thể Delta lây lan nhanh chính là nguyên nhân của tình trạng số ca mắc mới tăng lên từng ngày. Đến nay biến thể này đã có mặt trên 100 quốc gia, việc nghiên cứu biến thể cũng không theo kịp. Về lý thuyết, từ tháng 10 năm ngoái đến nay là 9 tháng, cứ khoảng 11 ngày có 1 đột biến mới, thì đến nay nó cũng phải có từ 25 - 27 đột biến rồi. Không biết các mẫu ở nước ta mới nhất có nơi nào giải trình tự hệ gene chưa. Một chi tiết rất đáng chú ý là chỉ tiêm 1 liều văcxin (Pfizer hay AstraZeneca) là chưa đủ để chống lại biến thể này.

Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia về dịch tễ học tại TPHCM, chủng Delta chỉ mất 3 ngày sẽ tạo ra một chu kỳ mới. Tốc độ lây lan của virus Covid-19 sắp bằng các loại virus gây bệnh ở người như cúm, sởi. Tình trạng lây lan nhanh hiện nay của biến thể Delta có thể nhận định do một số nguyên nhân như một giọt bắn có thể chứa nhiều virus hơn trước. Chu kỳ lây từ sang người tiếp theo sẽ ngắn hơn do thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn; Lượng virus cần đủ gây bệnh ít hơn lúc trước khi sau khi tấn công vào vùng hầu họng. Khả năng bám và đi vào tế bào ở vùng họng nhanh hơn.

Để phòng bệnh, đeo khẩu trang là biện pháp bắt buộc. Giọt bắn chứa bao nhiêu virus sẽ bị cản bởi khẩu trang. Giọt bắn không thể bất ngờ văng vào mặt nếu có tấm che giọt bắn. Có bao nhiêu giọt bắn trên bàn tay cũng sẽ hết và virus sẽ chết nếu rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng. Phòng thông thoáng, nhiệt độ cao, vệ sinh bề mặt nơi làm việc thì virus sẽ không tồn tại trong phòng lâu.

Theo Đời sống
back to top