Hệ lụy của lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

(khoahocdoisong.vn) - Mỗi năm, Việt Nam nhập tới hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Danh mục thuốc được sử dụng hơn 1.600 hợp chất với hơn 4.000 thương phẩm.

Hỏi: Xin hỏi, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng thế nào tới môi trường?

Lê Hoài An (Yên Bái)

Ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam: Dùng thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen khó bỏ của người nông dân. Dùng càng nhiều thuốc thì càng lệ thuộc, gây mất cân bằng hệ sinh thái, nhiều loài thiên địch của sâu bọ đã biến mất, làm dịch bệnh ngày càng bùng nổ. Lượng thuốc dùng quá nhiều, dẫn đến khủng hoảng giữa thuốc với môi trường, thuốc với con người, thuốc với cây trồng, thuốc với vi sinh vật có ích và kể cả với nền kinh tế. Nông nghiệp càng thâm canh thì sâu bệnh càng nhiều. Vấn đề là cách sử dụng thế nào và liều lượng ra sao. Trong sản xuất nông nghiệp có tình trạng dùng thuốc không hợp lý, dùng một cách vô tội vạ. Dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều chất độc hại tồn tại trong đất, nước, không khí lâu dài.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Điểm đáng lưu tâm hơn là trong hơn 4.000 loại được phép sử dụng, chỉ có 15 - 20% là thuốc sinh học, thân thiện với môi trường. Sử dụng nhiều, nhưng vỏ bao thuốc lại không được xử lý triệt để, nhiều người dân vứt la liệt ngoài đồng. Lượng thuốc tồn dư trong vỏ bao ngấm vào đất, vào nước, trở thành chất đầu độc môi trường..

Việt Nam cần có chiến lược sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong những năm tới, giải quyết tình trạng dùng quá mức cần thiết. Lý tưởng nhất là giảm khoảng 30% lượng thuốc đang dùng. Thử nghiệm trên đồng ruộng An Giang giảm 3 lần dùng thuốc trừ sâu và 1 lần phun thuốc trừ bệnh trong một năm cho kết quả năng suất không giảm. Cũng cần lành mạnh hóa danh mục thuốc được sử dụng, tăng lượng thuốc sinh học, giảm hóa học.

Theo Đời sống
Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Sách là tri kỷ, người yêu bất tử

Theo các chuyên gia, sách khoa học có tính hàn lâm cao, kén độc giả. Tuy nhiên, nên coi đọc sách khoa học không chỉ là một sở thích, mà sách chính là hành trang quan trọng cho mỗi người.
back to top