Sổ liên lạc điện tử nhắn tin, con gái nói chuyện trong giờ học, bị ghi tên vào sổ ghi đầu bài, phải làm bản kiểm điểm. Chị tức tốc gọi điện về nhà, chẳng hỏi han gì, mắng luôn con.
Không biết con bé nói gì, chỉ nghe tiếng chị: "Mẹ không muốn nghe con giải thích nữa. Chỉ biết là con có lỗi, phải làm bản kiểm điểm, thế là hư. Liệu hồn, lần sau mà còn thế thì đừng nhìn mặt mẹ nữa...".
Khổ thân con bé! Nói chuyện trong giờ học thì có gì to tát mà mẹ nó phải nghiêm trọng hóa vấn đề đến thế. Tất nhiên là trừ một số đứa nói chuyện quá nhiều, gây ảnh hưởng đến giờ học, ảnh hưởng đến các bạn... cần phải nhắc nhở và có biện pháp riêng, còn phần lớn đứa nào chả một vài lần bị nhắc vì cái tội này.
Và trong tất cả các tội lỗi ở trường thì tội nói chuyện thường dễ gây oan uổng nhất. Có khi bạn hỏi bài, trả lời một câu cũng bị quy vào tội nói chuyện. Nhắc cho bạn bài cô đang giảng ở trang mấy... cũng là có tội...
Vậy mà thày cô và phụ huynh lại thường không chịu khó nghe các em giải thích, cứ quy chụp luôn là gây mất trật tự trong giờ học, vi phạm nội quy lớp học.
Trời ạ, thử tưởng tượng mình phải ngồi 45 phút nghe một bài giảng chán phèo mà không được ngủ gật, không được quay ngang quay ngửa, không được làm việc riêng, không nói chuyện... thì mới thấy khổ và khó đến mức nào. Để không vi phạm chỉ có cách dán băng dính vào mồm từ đầu đến cuối giờ học.
Từ hồi còn đi học, tôi đã nhận thấy, thầy cô nào dạy chán thường rất hay để ý mấy chuyện lặt vặt của học sinh như quên sách, quên vở, chưa làm bài, nói chuyện trong giờ học...
Còn thầy cô giỏi, dạy hay lại thường rất dễ tính, dạy say sưa chẳng để ý mấy chuyện vặt trong lớp, học sinh có nói leo hay tranh nhau phát biểu càng thích, giờ học vì thế rất sôi động. Trẻ con cảm nhận rất rõ việc ai dạy hay, ai dạy dở, nhưng khổ nỗi chúng không thể nói thẳng ra vì sẽ lại bị quy là hỗn.
Thế nên, nếu chẳng may con có bị làm bản kiểm điểm vì tội nói chuyện, thì hãy cho con giải thích. Nếu đúng là con có bệnh nói chuyện nhiều, ảnh hưởng đến học tập thì phải nghiêm khắc nhắc nhở. Còn nếu vì cô giảng chán quá thì hãy thông cảm với con. Bởi chính người lớn chúng ta cũng chẳng làm được gì để thay đổi điều đó cả.