Hàng loạt dự án chậm triển khai, bỏ hoang bị “sờ gáy”

Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 01 chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất, nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.

Hàng loạt dự án chậm triển khai, bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai tồn tại nhiều năm tại các địa phương nhưng lại chậm chạp bị xử lý, giải quyết.

Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2 ha. Trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là 60.332,1 ha.

Tại TP HCM còn khoảng 547 dự án “treo”, với tổng diện tích hơn 20.000 ha. Tiêu biểu như dự án Công viên Sài Gòn Safari (H. Củ Chi) rộng 485 ha, với hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng “treo” từ năm 2004.

Hay như dự án Khu đô thị Sing - Việt (H. Bình Chánh) rộng 331 ha, với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời “treo” từ năm 1997 đến nay. Dự án Khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 900 ha “treo” gần 20 năm, khu đô thị Nam TP đến nay sau 30 năm cũng mới triển khai được 1 phần nhỏ…

khu-do-thi-sing-viet-h.-binh-chanh.jpg
Khu đô thị Sing - Việt (H. Bình Chánh) rộng 331 ha, với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời “treo” từ năm 1997 đến nay.

Tính đến cuối năm 2021, TP có khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do quá trình tổ chức thực hiện chậm và hủy bỏ 108 dự án quá 3 năm không thực hiện.

Đồng thời trình HĐND TP thông qua hủy bỏ 61 dự án thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nhưng chậm triển khai, dây dưa kéo dài.

Tại TP. Hà Nội, trong số 383 dự án chậm triển khai, thì chỉ có 10 dự án được thu hồi.

du-an-treo(1).jpg
TP. Hà Nội có 383 dự án chậm triển khai

Đối với tỉnh Đồng Nai, có đến 39 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, với tổng diện tích 507,5 ha.

Trước đó, tỉnh thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 12 dự án với tổng diện tích 33,85 ha và gia hạn cho 27 dự án thêm 24 tháng.

Tiếp đó phải kể đến tỉnh Ninh Thuận. Vừa qua, Sở KH-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã “điểm mặt” các dự án du lịch trọng điểm chậm tiến độ.

Theo Sở KH-ĐT Ninh Thuận, phần lớn dự án có tiến độ chậm nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư thiếu quyết tâm, năng lực thực hiện dự án. Không những thế thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng còn kéo dài, ảnh hưởng đến quy hoạch quốc phòng; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo VietnamDaily
back to top