Ông Nguyễn Thế Hinh – người nghiên cứu hiệu quả kinh tế của các công trình khí sinh học, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ dưới 50 con lợn, việc đầu tư các hầm bioga quy mô nhỏ đem lại hiệu quả tốt về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Hầm bioga giúp người dân tiết kiệm chi phí nhiên liệu, giúp môi trường chăn nuôi sạch sẽ, không ruồi muỗi, hôi thối.
Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn trên 50 con lợn, hiệu quả xử lý môi trường của các hầm bioga có rất nhiều điểm hạn chế, và đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi lớn đến vài ngàn con lợn, các hầm bioga nhiều khi đem lại hiệu quả tiêu cực về cả kinh tế, môi trường và xã hội.
Đối với nhóm hộ chăn nuôi từ 50 con lợn trở lên, một số hộ xây hầm bioga có quy mô lớn hơn 20 m3. Ở quy mô này, các hộ bắt đầu thừa khí ga so với nhu cầu của gia đình.
Họ xử lý khí ga thừa bằng cách chia sẻ cho hàng xóm, nấu cám. nấu rượu, chạy máy phát điện, thắp sáng, … Tuy nhiên, đa số các cách trên đều chưa thực sự hiệu quả vì lý do nhu cầu sử dụng khí ga đun nấu có hạn. Các công nghệ phát điện, thắp sáng,… từ biogas còn có giá thành cao, chuỗi giá trị khí sinh học còn chưa phát triển ở nước ta.
Thay vào đó, họ chủ yếu là xả khí ga thừa ra ngoài môi trường, hạn chế bỏ ra các chi phí vận hành, nguy cơ hỏa hoạn khi sử dụng đầu đốt khí ga thừa… Thậm chí, không đáp ứng được quy định quản lý môi trường sẽ bị phạt…
Từ những phân tích trên, các ý kiến chuyên môn đã đề xuất các chính sách để tiếp tục kêu gọi Chính phủ và các nhà tài trợ hỗ trợ cho hộ chăn nuôi nhỏ xây lắp hầm bioga nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao sinh kế hộ nghèo…
Không khuyến khích các chủ trang trại làm hầm bioga quy mô lớn khi không có nhu cầu sử dụng hết khí ga. Thay vào đó, cần có quy định cho các chủ trang trại sử dụng chất thải chăn nuôi để ủ phân compost làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ…
Hiền Dung