“Có phép” nhưng liệu có “đúng phép”?
Việc cấp phép cho Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải ra biển Vĩnh Tân, Bình Thuận đã làm “nóng” dư luận. Theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đây là việc làm được pháp luật cho phép. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi, dư luận xã hội “nóng” lên với “giấy cho phép” trong suốt cả tháng qua, không phải là do “đủ” hay “thiếu” cơ sở pháp lý. Về hình thức thì cơ sở pháp lý không có vấn đề gì. Trên thế giới, việc “nhận chìm” chất thải ra biển là hoạt động được phép. Đối với Việt Nam, trước đây thì cấm. Nhưng gần đây thì cho phép. Đặc biệt, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP có quy định về nhận chìm, bao gồm nhiều quy định chi tiết…
Về mặt pháp lý trên phương diện hình thức, thì không có gì phải “lăn tăn”. Vậy vì sao theo ông, dư luận lại có sự phản ứng mạnh mẽ như vậy?
Điều mà xã hội băn khoăn, mong được các cơ quan có thẩm quyền giải thích rõ là việc “giấy phép” có thực hiện thẩm định, kiểm tra đầy đủ và nghiêm túc việc vận dụng những quy định và điều kiện cần thiết của các luật vào thực tế hay không? “Có phép” nhưng liệu có thực hiện “đúng phép” hay không? Phần lớn các ý kiến của các nhà khoa học, của cộng đồng đều cho rằng trong giấy phép chưa thể hiện được tính nghiêm túc và thận trọng khi vận dụng các điều kiện cần thiết của luật để cấp phép.
Cụ thể của việc chưa thể hiện tính nghiêm túc và thận trọng khi vận dụng ấy là như thế nào, thưa ông?
Các nhà khoa học đã chỉ ra rất nhiều những nội dung của giấy phép đã đi ngược lại và hiểu sai bản chất, nội hàm của các yêu cầu, quy định về các điều kiện bắt buộc trong các luật đã ban hành. Ví dụ như thế nào là “nhận chìm”, thế nào là “xả thải”, vị trí nhận chìm, thời gian nhận chìm, phương pháp nhận chìm, dùng lưới chắn có thể ngăn cản được quá trình lan truyền, gây đục nước của bùn, cát đổ xuống trong một khu vực biển khá rộng (30 ha) ,với một khối lượng lớn đến hơn 900 nghìn m3 bùn, cát, lại trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 là những thời điểm động lực cực mạnh ở vùng nước trồi Bình Thuận thì có được không ?
Ý kiến của người dân, của cộng đồng là hết sức quan trọng. Nếu đa số người dân không đồng thuận, thì không thể triển khai được. Nên có các cuộc tham vấn công khai ý kiến của cộng đồng rộng rãi, từ các cấp lãnh đạo, các đoàn thể và những người dân bình thường, là những người trực tiếp đang có quyền lợi và nghĩa vụ ở vùng ven biển Vĩnh Tân.
Đừng “chọc cười” giới khoa học nữa!
Nói riêng về bùn nhận chìm, theo quan điểm của đại diện Bộ TN&MT, đây không phải là chất thải mà chất nạo vét từ đáy biển, thuộc một phần của biển và việc nhận chìm nó là một quá trình tự nhiên, luật pháp quốc tế quy định rõ vấn đề này. Ý kiến của ông thế nào?
Việc bàn về từ ngữ, tôi mong rằng đừng “chọc cười” giới khoa học thêm nữa. Vì chủ yếu, không ai bàn cãi về các bùn cát nạo vét này “lành tính” hay “có độc”. Vấn đề gây tác động độc hại cho môi trường nằm ở chỗ là do cơ quan có trách nhiệm cấp phép cho công ty nạo vét, đào xới lên và mang ra đổ ở vùng giàu đa dạng sinh học ven bờ như Bình Thuận, lượng bùn cát đó sẽ không “nằm yên” dưới hố sâu 36m như giấy phép nói. Mà nó sẽ phát tán, tăng hàm lượng lơ lửng, làm đục nước ven bờ. Và khi có tác động của động lực, bùn cát đó lại bị nguấy lên, gây ô nhiễm lần hai, rồi lần ba… và nhiều lần sau đó nữa, có thể kéo dài cả chục, hai chục năm những tác động mang bản chất lý sinh, như vậy.
Như ông nói thì vùng ven bờ Ninh Thuận có ý nghĩa lớn về mặt hải dương học. Chứ không phải đáy biển “chỉ toàn là cát” như Bộ TN&MT đánh giá?
Bình Thuận là vùng biển có hệ sinh thái nước trồi, độc nhất vô nhị của nước Việt Nam ta, có thể coi đây là “di sản thiên nhiên” không kém gì vịnh Hạ Long…. Hơn nữa, cách vị trí nhận chìm 8km là vùng bảo tồn biển Hòn Cau. Quan trọng nhất, là độ sâu chỗ nhận chìm chỉ khoảng 36 m nên đây là vùng ven bờ. Vùng ven bờ là vùng biển giàu có, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Luật biển quốc tế (1982) quy định vùng ven biển thuộc chủ quyền của quốc gia. Các quốc gia phải có trách nhiệm và có chính sách, chiến lược hợp lý quản trị, bảo vệ phát triển kinh tế, xã hội môi trường bền vững. Ta nên lưu ý đế khía cạnh này trong hoạt động quản trị biển vì đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nếu theo thông lệ quốc tế, thì việc này phải được tiến hành như thế nào?
Theo thông lệ quốc tế thì giấy phép cần phải làm rõ thêm công ty sẽ nạo vét như thế nào? Có tác động gì đến kinh tế nghề cá, đến dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng… cho vùng xung quanh không và ai đã cho phép công ty nạo, vét ở vùng ven bờ đó theo cách đó…? Đặc biệt tôi mong muốn đựợc biết là công ty Điện Vĩnh Tân đã có giấy phép nạo vét vùng ven bờ chưa? Đã đánh giá tác động của quá trình nạo vét chưa?
Không nên lấy môi trường ra để “thử”
Ông nhận xét như thế nào về việc đại diện Bộ TN&MT cho biết, sẽ lắp đặt 13 điểm quan trắc giám sát, khi có bất thường thì dừng lại ngay?
Theo tôi ý kiến phát biểu như vậy là hơi ẩu, thiếu cân nhắc vì nó vi phạm nguyên tắc “cẩn trọng” trong chiến lược biển. Ngay trong buổi giải trình của Bộ TN&MT trước Hội đồng nhân dân Bình Thuận vừa qua, các đại biểu cũng không đồng tình vì cho rằng ý kiến đó không tôn trọng và cân nhắc đến nguyên tắc “phòng ngừa” trong quản lý môi trường. Còn về khoa học, nếu để xảy ra sự cố môi trường thì mọi chuyện coi như đã rồi.
Tức là theo ông nếu để xảy ra sự cố sẽ khó khắc phục?
Cho đến nay, khoa học chưa tìm ra cách gì để khắc phục. Hơn nữa, cát bùn đã xả xuống hố sâu 36m thì làm sao lấy lên được, làm sao ngăn chặn được sự lan truyền, phát tán làm đục nước? Tôi nghĩ không nên lấy “môi trường” ra để làm thử, để xử lý những điều còn “chưa chắc chắn”. Giấy phép còn ghi rõ là công ty sẽ bồi thường thiệt hại? Nhưng bồi thường là bồi thường thế nào? Theo tôi nên tôn trọng dân chúng và xã hội.
Hậu quả của Formosa để lại còn chưa khắc phục xong khiến nhiều người lo lắng một “kịch bản” lại lặp lại nếu không cẩn trọng. Bản thân ông có lo ngại điều này không?
Theo tôi, hậu quả nếu để xảy ra sẽ tệ hại hơn vụ Formosa rất nhiều, vì điều kiện tự nhiên, vì bản chất và cơ chế tác động và khả năng không chế của con người.Vụ Formosa, chỉ cần không cho nhà máy tiếp tục hoạt động, nguồn ô nhiễm lập tức bị khống chế và chấm dứt. Ô nhiễm sẽ được tự nhiên xử lý theo cơ chế tự làm sạch, dù cần phải có một khoảng thời gian rất dài. Còn đây là gần cả triệu khối bùn cát đã thải xuống vũng sâu 36m, tác động gây hại theo cơ chế cơ học, lý sinh, làm sao khống chế hoặc thu hồi lại được? Nó sẽ là nguồn gây tác động tiêu cực thứ cấp trong hàng chục năm theo cơ chế gây hại “tích lũy”.
Bản thân ông, là một người dân, đồng thời cũng là một nhà khoa học, ông có kiến nghị gì?
Tôi muốn Nhà nước tạm dừng việc cấp phép để có thời gian thẩm định, thẩm tra thêm các vấn đề còn chưa rõ ràng một cách đúng quy trình và bài bản theo các tài liệu khoa học đã hướng dẫn ở trong và ngoài nước. Tôi cũng như người dân đang “dài cổ” chờ ý kiến phản hồi của cơ quan có trách nhiệm.Vì ai cũng đồng tình và hoan nghênh tư duy lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược “phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Loan (thực hiện)