Hà Nội xuất hiện phương thức lừa đảo tinh vi mới nhằm vào học sinh

Sau các chiêu lừa đảo qua điện thoại hướng đến phụ huynh như "con cấp cứu" hay thông báo "học sinh nợ tiền hàng", tại Hà Nội lại tiếp tục xuất hiện phương thức lừa đảo tinh vi khác nhằm vào học sinh.

Theo thông tin trên báo Dân trí, một học sinh lớp 6 của Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) sau giờ tan học đã bị một đối tượng tiếp cận, tự xưng là phụ huynh của bạn cùng lớp, nhờ "quá giang" rồi lừa mất phương tiện đi lại.

Theo đó, đối tượng đã tiếp cận em học sinh tại cổng trường nói với em này xin đi "quá giang" vào ngõ. Tiếp đó, đối tượng gọi điện thoại và giả vờ như đang trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm của học sinh, gọi đúng tên cô giáo nên dễ dàng tạo lòng tin với học sinh. Sau đó, đối tượng mượn xe đạp điện với lý do đi lấy đồ rồi biến mất hút.

Chờ mãi không thấy người lạ quay lại, học sinh gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm mới biết đã bị lừa. Thực tế, phụ huynh của bạn cùng lớp không hề đến trường đón con, cô giáo cũng không nhận cuộc gọi nào như nội dung người lạ "đóng kịch" với em học sinh này.

Sau khi nhận được tin nhắn cảnh báo từ giáo viên, một phụ huynh có con theo học tại Trường THCS Phan Chu Trinh đã đăng tải lên mạng xã hội.

Tin nhắn cảnh báo của phụ huynh trường Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình). Ảnh: Dân trí

Tin nhắn cảnh báo của phụ huynh trường Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình). Ảnh: Dân trí

"Mặc dù chiêu lừa không mới nhưng nó tinh vi ở chỗ, đối tượng xấu đọc được cả tên học sinh, giáo viên chủ nhiệm, khiến các con chủ quan. Học sinh lớp 6 còn non nớt nên rất dễ bị lừa.

Ngay sau đó tôi cũng đã chia sẻ thông này sang trường của con út để các cô nắm thông tin, nhắc nhở với các bạn cảnh giác. Vì với kiểu lừa này thì dù là học sinh lớp cao hơn cũng dễ bị dính bẫy" - Phụ huynh này chia sẻ.

Cũng liên quan đến hành vi lừa đảo nhằm vào học sinh, trước đó, ngày 23/3, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) phát đi thông báo khẩn tới toàn thể cha mẹ học sinh về hình thức lừa đảo mới của kẻ xấu để nêu cao tinh thần cảnh giác.

Đó là hiện tượng phụ huynh nhận được cuộc gọi từ số lạ của kẻ xấu thông báo học sinh đã mua hàng hoặc đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền. Học sinh đã phải để lại thẻ học sinh do đó, đối tượng sẽ yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tiền khoản mà đối tượng cung cấp.

“Đây là hình thức lừa đảo mới, Ban giám hiệu đề nghị thầy cô giáo thông tin đến phụ huynh tất cả các lớp để được biết và đề cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lừa”, thông báo của Trường THPT Kim Liên nêu.

Theo thông tin trên Báo Kinh tế đô thị, liên quan đến thủ đọan lừa đảo trên, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm thông báo thủ đoạn lừa đảo để phụ huynh và học sinh nắm được. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, địa phương đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để không còn phụ huynh nào trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top