Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) vừa công bố Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu 2018 do IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành. Báo cáo nhấn mạnh sự phát tán rộng rãi nhưng không đồng đều của ô nhiễm bụi PM2.5 và các hạn chế trong tiếp cận thông tin của công chúng.
Kết quả từ báo cáo có thể kể đến trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, có 18 thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Jakarta và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Ở Châu Á, chất lượng không khí của Bắc Kinh đang ngày càng tốt hơn, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua thủ đô vốn nổi tiếng về ô nhiễm của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 122 trên thế giới năm 2018. 10 thành phố ở Tây Balkan - Bosnia Herzegovina, Macedonia và Kosovo - và bốn thành phố ở Thổ Nhĩ Kỳ có nồng độ PM2.5 ở mức lớn hơn gấp 3 lần so với hướng dẫn của WHO. 8 thành phố ở Balkan nằm trong số 10% thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong số tất cả các thành phố có dữ liệu.
Biến đổi khí hậu đang làm cho tác động của ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn thông qua thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng. Ngoài ra, tác nhân chính của biến đổi khí hậu - đốt nhiên liệu hóa thạch - cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2018 dựa trên việc rà soát, tổng hợp và xác thực dữ liệu từ hàng chục ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới. Giờ đây, mọi người có điện thoại di động đều có thể truy cập miễn phí vào dữ liệu này thông qua nền tảng AirVisual. Điều này cũng đã tạo ra nhu cầu theo dõi chất lượng không khí ở các thành phố hoặc khu vực không có dữ liệu công khai.