Trước đó, ngày 19/6 vừa qua, tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa XV, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã cho biết một số thông tin về đề án quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.
Quyết tâm hồi sinh siêu dự án
"Thành phố sẽ hoàn thiện đề án này để trình HĐND TP xem xét trong 2019, trong đó, có xem xét việc đời sống người dân ở ngoài bãi của TP bởi hiện có gần 1 triệu dân sinh sống ngoài đê" - ông Chung cho biết. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nôi thông tin tiếp, thành phố sẽ quy hoạch 2 bờ sông theo hướng đê kết hợp với đường, đảm bảo an toàn ở mức báo động 3 trong 500 năm. Đê và đường sẽ tạo ra đường rộng, thông thoáng, giao thông đường thủy phục vụ du lịch và tạo ra quỹ đất để người dân cải tạo không gian sống và là nguồn lực để đầu tư - ông Chung nhấn mạnh.
Giữa tháng 1/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Thế Hùng - đã có văn bản yêu cầu các Sở chức năng trực thuộc và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án Trấn Sông Hồng (còn gọi là Song Hong City). Và gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Dự án Trấn Sông Hồng là dự án lâu năm, do nhà đầu tư Singapore đề xuất lần đầu vào năm 1994, và đã được ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Theo đó, dự án sẽ có một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Phía Hà Nội cũng đã lập ban quản lý để triển khai dự án này. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.
Đến năm 2006, Hà Nội đã phối hợp với Hàn Quốc để lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Năm 2007, dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Thời điểm đó, chính quyền Hà Nội hi vọng, với những nét tương đồng giữa sông Hồng và sông Hàn, các chuyên gia phía Hàn Quốc sẽ giúp Hà Nội tạo nên một “thành phố sông Hồng”.
Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ giúp Hà Nội xây dựng bản quy hoạch 2 bên sông Hồng, đây là bước quy hoạch cơ bản gồm: Thứ nhất là trị thuỷ, thứ hai là giao thông kết hợp thuỷ lợi, thứ ba là khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông. Trong giai đoạn 1, các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra các giải pháp thoát lũ cho sông Hồng khi thực hiện quy hoạch "siêu đô thị" gồm có: Xây dựng tuyến đê mới dài 41,7 km dọc sát lòng sông, gia cố 33,8 km đê hiện có; lập kế hoạch xây dựng kè trên mực nước dài 73,2 km, xây dựng 40,6 km kè bảo vệ phần dưới nước, xây dựng mỏ hàn tại 3 khu vực và 12 điểm; nạo vét lòng sông ở mực nước thấp khoảng 21,7 triệu m3.
Tổng kinh phí chỉnh trị sông là 581,2 triệu USD. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết vấn đề lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó lường. Và do chưa được các Bộ ngành liên quan chấp thuận nên dự án vẫn chưa thể triển khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, về chế độ thủy văn, dòng chảy… sông Hồng giống sông Hàn, đặc tính bên lở bên bồi của sông Hồng không giống với bất cứ dòng sông nào. Hơn nữa, những thông số về thủy lợi của thượng nguồn sông đang được Trung Quốc giữ kín nên sẽ có nhiều rủi ro khi có những điều chỉnh về nguồn nước thượng nguồn thông qua các hoạt động về thủy lợi thủy điện.
Mơ “sông Hồng” quên người dân
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức nhìn nhận, Hà Nội vẫn mơ có thể làm được một con sông đẹp thơ mộng như sông Hàn nhưng hiện hai bên sông Hồng hiện nay gần như bị bỏ quên nên nhìn từ phía bờ sông không hề đẹp.
Trong khi các đô thị trên thế giới đều ôm trọn dòng sông vào lòng. Ngay tại Việt Nam, 2 thành phố Đà Nẵng và TP. HCM đã có những bước đi táo bạo để tạo ra các khu đô thị ven sông đẹp, hỗ trợ mạnh mẽ sự phát triển kinh tế địa phương. Chẳng hạn như dự án như River City (Quận 7), Saigon Royal, Icon 56, The Goldview (Quận 4)…, hay như hướng phát triển khu đô thị sinh thái khép kín như Đại Quang Minh đang thực hiện với Khu đô thị Sala…
Với Hà Nội, hiện hệ thống thủy lợi đã phần nào điều tiết được lũ lụt một cách chủ động hơn, Chính phủ đã phê duyệt hành lang thoát lũ, nên việc thể xây dựng đô thị ven sông đang dần khả thi. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa và các nguồn lực để xây dựng quy hoạch. Tuy nhiên, ông Chung cho biết, Hà Nội cần phê duyệt quy hoạch phân lũ của thành phố trước.
Thực tế, công tác quy hoạch của Hà Nội đã được thành phố giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các sở, ngành, đơn vị liên quan lập đề án từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Thậm chí, từ giữa năm 2017, có thông tin liên Geleximco mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho dự án này. Tuy nhiên, thực tế là dự án vẫn tiếp tục bị trì hoãn.
Trong khi đó, người dân sống tại khu vực trong dự này sống trong cảnh tạm bợ, vá víu khi nhà ở của họ không được xây dựng sửa chữa, sang nhượng hay mua bán. Bên cạnh đó, nhiều khu đất trống đã trở thành thành bãi đỗ xe, cửa hàng bán vật liệu xây dựng tự phát. Trả lời kiến nghị của người dân, chính quyền cho biết khu vực này đã được “đưa vào danh sách các dự án sớm được triển khai”.
Với lần tái khởi động năm 2019 này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa và nguồn lực của thành phố để xây dựng quy hoạch hai bên sông Hồng. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội chưa cho biết nhà đầu tư xã hội hóa cho dự án là doanh nghiệp nào. Và do thế, việc triển khai dự án giờ vẫn là một "quyết tâm chính trị", hơn là một thông tin có giá trị triển khai thực sự của Hà Nội.