Hà Nội: Lấy nước sông Hồng cấp cho sông Đáy

(khoahocdoisong.vn) - Sau nhiều năm bị ô nhiễm nghiêm trọng, cùng hoạt động động bồi lắng khiến dòng sông Đáy bị thu hẹp đáng kể.

Điều đó dẫn theo hàng loạt hệ lụy như úng ngập vào mùa mưa và không thể phục vụ tưới tiêu nội đồng vào mùa hạn. Đặc biệt, đoạn chảy qua TP Hà Nội lòng sông luôn trong tình trạng “khát” và trơ đáy khiến nông dân hai ven bờ khốn đốn vì thiếu nước.

Sông Đáy đoạn chảy qua phường Đồng Mai (quận Hà Đông), mùa này bốc mùi hôi thối khiến cho những hộ dân ven sông phải đóng cửa suốt đêm ngày. Do nước cạn, sông không lưu thông lại quá ô nhiễm nên tất cả các hộ sống nhờ vào dòng sông như hoạt động đánh bắt cá đã không thể tồn tại.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình, Công ty thủy lợi sông Đáy, cho hay: Hơn 90% diện tích sản xuất nông nghiệp của các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa… phụ thuộc nguồn nước sông Đáy. Nhưng do nhiều ngày nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra các trận mưa lớn nên mực nước sông Đáy phụ thuộc vào hoạt động của các công trình lấy nước sông Hồng.

Rác thải tràn xuống sông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và bồi lắng lòng sông.

Rác thải tràn xuống sông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm và bồi lắng lòng sông.

Thực tế, sông Đáy có 3 hệ thống lấy nước từ sông Hồng đổ vào: Cống Cẩm Đình – Hiệp Thuận, với lưu lượng 30-100m3/s; cống Liên Mạc, lưu lượng 36,25m3/s và cống Tắc Giang, với lưu lượng 69,61m3/s. Tuy nhiên, nhiều năm nay, cống Cẩm Đình – Hiệp Thuận và cống Liên Mạc không thể hoạt động thường xuyên, đúng lưu lượng thiết kế, khiến mực nước sông Đáy không đủ cấp nguồn cho các công trình lấy nước của thành phố bố trí dọc hai bờ sông.

Ông Lê Viết Sơn, Trưởng phòng Quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ - Viện Quy hoạch thủy lợi, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến sông Đáy cạn trơ đáy trở thành sông chết, nhưng căn cốt nhất là do nguồn cấp và sinh thủy nội tại kém, lòng dẫn sông Đáy ngày càng bị bồi lấp và thu hẹp.

Nhiều đoạn sông Đáy cạn trơ đáy.

Nhiều đoạn sông Đáy cạn trơ đáy.

Để cứu dòng sông, Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng cụm công trình đầu mối Cẩm Đình – Hiệp Thuận, nạo vét 8,7km lòng dẫn sông Đáy từ hạ lưu đập Đáy đến xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) nhằm đưa nước từ sông Hồng vào sông Đáy trong mùa kiệt. Mặc dù các công trình trên hiện nay đã hoàn thành nhưng lưu lượng bổ sung cho sông Đáy vẫn rất hạn chế.

Năm 2014, Bộ NN&PTNT đầu tư gần 479 tỷ đồng xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi và nạo vét 14,4km sông Đáy, đoạn từ xã Tiền Yên đến phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, đoạn từ phường Yên Nghĩa đến cầu Ba Thá (huyện Mỹ Đức). Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 810 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn vốn nên đến nay, cả hai dự án trên vẫn chưa được thực hiện.

Không chỉ sông Đáy, sông Nhuệ cũng ô nhiễm nghiêm trọng.

Không chỉ sông Đáy, sông Nhuệ cũng ô nhiễm nghiêm trọng.

Để khơi thông, tạo dòng chảy, cấp nguồn cho các trạm bơm tưới dọc hai bờ sông Đáy hoạt động, phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường nước sông Đáy, mới đây Sở NN&PTNT Hà Nội đã báo cáo UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy đoạn từ xã Tiền Yên đến cầu Ba Thá trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2026.

“Cùng với giải pháp trên, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng Trạm bơm Liên Mạc lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy; xây dựng hệ thống tiếp nước từ sông Tích vào sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn – Thụy Đức”, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Theo Đời sống
back to top