Chiều 19/1, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024 do UBND TP Hà Nội tổ chức, Chánh văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TP Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại 32 trận địa, có 9 điểm tầm cao với 600 quả.
"TP Hà Nội sẽ xác lập kỷ lục Đông Nam Á, cao nhất Việt Nam về màn trình diễn ánh sáng máy bay không người lái (2024 drone) kết hợp âm nhạc. Địa điểm dự kiến tại hồ Tây và nghiên cứu thêm tại sân vận động Mỹ Đình", ông Dũng nói.
Ảnh minh họa. |
Chánh văn phòng UBND thành phố cho biết thêm, trình diễn ánh sáng kết hợp sẽ tổ chức trước thời điểm bắn pháo hoa (trong khoảng 23h-23h30) đêm Giao thừa và sẽ truyền hình trực tiếp. UBND thành phố đã trình Thường trực Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy thẩm định nội dung.
“Đây là nét mới, điểm nhấn quan trọng trong không khí vui tươi, chào mừng thắng lợi kết quả năm 2023, chào mừng và bước vào năm 2024 với nhiều khí thế mới, cũng như thực hiện công nghiệp văn hóa Thủ đô. Màn trình diễn ánh sáng có thể là chưa từng có, nội dung chi tiết, Thành phố sẽ thông báo sau”, ông Dũng cho hay.
Theo kế hoạch về tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn do UBND TP Hà Nội vừa ban hành, địa bàn thành phố có tổng số 30 điểm bắn pháo với 32 trận địa. Ngoài quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên có hai điểm bắn, mỗi quận, huyện, thị xã có một điểm.
Trong đó, thành phố có 9 trận địa bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp và 23 trận địa bắn pháo hoa tầm thấp.
Các địa điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp pháo hoa tầm thấp gồm: Quận Hoàn Kiếm: Trước trụ sở tòa soạn Báo Hà Nội Mới và trước Bưu điện Hà Nội.
Quận Tây Hồ: Vườn hoa Lạc Long Quân và trước cổng UBND quận; Quận Nam Từ Liêm: Khuôn viên đường đua F1, phường Phú Đô.
Quận Hai Bà Trưng: Đảo dừa, công viên Thống nhất, phường Lê Đại Hành; Quận Hà Đông: Hồ Văn Quán, phường Văn Quán.
Thị xã Sơn Tây: Thành cổ Sơn Tây; Huyện Thanh Trì: Khu đất dự án hồ điều hòa, xã Tam Hiệp; Huyện Đông Anh: Trung tâm Thể dục Thể thao huyện.
Các địa điểm bắn pháo hoa tầm thấp gồm: Quận Ba Đình: Đông nam hồ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; Quận Hoàng Mai: Công viên hồ Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ; Quận Long Biên: Công viên 02, phường Việt Hưng; Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, phường Việt Hưng.
Quận Đống Đa: Bán đảo hồ Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa; Quận Cầu Giấy: Công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng; Quận Thanh Xuân: Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, phường Nhân Chính.
Quận Bắc Từ Liêm: Công viên Hòa Bình, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm; Huyện Gia Lâm: Số 1 Thuận An, thị trấn Trâu Quỳ; Huyện Mê Linh: Nóc nhà 4 tầng UBND huyện.
Huyện Ba Vì: Sân vận động Quảng Oai, thị trấn Tây Đằng; Huyện Đan Phượng: Khán đài B, sân vận động huyện, thị trấn Phùng; Huyện Thạch Thất: Sân vận động, thị trấn Liên Quan.
Huyện Chương Mỹ: Sân vận động huyện, thị trấn Chúc Sơn; Huyện Thường Tín: Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện.
Huyện Quốc Oai: Nóc nhà 6 tầng Ban Chỉ huy quân sự huyện; Huyện Phú Xuyên: Tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên; Huyện Mỹ Đức: Công viên hồ sinh thái, thị trấn Đại Nghĩa.
Huyện Ứng Hòa: Sân vận động huyện, thị trấn Vân Đình; Huyện Sóc Sơn: Sân vận động huyện, thị trấn Sóc Sơn; Huyện Phúc Thọ: Sân vận động huyện, thị trấn Phúc Thọ.
Huyện Thanh Oai: Công viên cây xanh, thị trấn Kim Bài; Huyện Hoài Đức: Sân vận động Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện.
Ở mỗi điểm, thời gian bắn là 15 phút kéo dài từ 0h - 0h15 ngày 10/2 (tức đêm Giao thừa tết Nguyên đán Giáp Thìn).
Tổng số pháo hoa tầm cao là 5.400 quả, pháo hoa tầm thấp là 3.570 giàn. Trong đó, mỗi trận địa tầm cao kết hợp tầm thấp sử dụng 600 quả và 90 giàn; Còn lại mỗi trận địa tầm thấp sử dụng 120 giàn.
Tổng kinh phí được tính toán là hơn 29 tỷ đồng. Hà Nội yêu cầu sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa được huy động từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp...
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh những trận địa pháo hoa ở Hà Nội trước giờ G: