Bãi xương ô nhiễm
Người lạ vào làng, thấy hình ảnh cả nghìn bao tải xương trâu, bò và lợn chất đống đang trong quá trình phân hủy bốc mùi hôi thối đều thấy ghê sợ. Tuy nhiên, cái mùi nồng nặc trong bầu không khí ô nhiễm ấy đã quá quen thuộc với những người dân xã Bình Minh.
Tại cánh đồng Sái thuộc thôn Minh Kha, một bãi tập kết xương tồn tại đã rất lâu khiến cho người dân vùng này, vốn đã quen nhưng không dám tới gần. Hàng trăm bao tải đựng đầy xương gia súc xếp dọc hai bên đường dẫn ra cánh đồng. Có nhiều bao đã mục nên xương rơi cả ra ngoài.
Những bao tải xương động vật được tập kết tại cánh đồng Sái. |
Xung quanh, ngoài giòi bọ là vô vàn ruồi muỗi bu kín các cành cây, ngọn cỏ. Những bao tải xương này qua mưa nắng chảy nước xuống cánh đồng và xuống con mương bên cạnh khiến cho một vùng rộng lớn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước dưới mương thì đóng váng mỡ, đất dưới ruộng thì chỉ có cỏ mới mọc nổi. Cảnh tượng không khác gì một bãi tha ma lộ thiên.
Từ nhiều năm trước, khu vực cánh đồng Sái đã quá ô nhiễm nên người dân nơi đây không dám bén mảng đến dù có phần ruộng tại đó. Nhiều người khẳng định, nếu vào khu tập kết xương thì chắc chắn về nhà sẽ ốm. Cả chục tấn xương xếp thành từng đống đang trong quá trình phân hủy, ruồi nhặng bâu quanh, giòi bọ lúc nhúc tạo ra một cảnh tượng cho bất cứ ai phải chứng kiến.
Váng mỡ từ các bao xương gia súc chảy xuống mương. |
Cỏ cũng không mọc được
Cách cánh đồng Sái vài cây số, tại khu dự án giết mổ gia súc, gia cầm của xã Bình Minh thì cảnh tượng tập kết xương động vật còn khủng khiếp hơn. Những bao tải xương xếp đống cao như “núi” đang rỉ nước lênh láng xuống mặt đường bê tông. Một phần nước chảy xuống cống không hề có hệ thống xử lý nước thải.
Khắp khu dự án dở dang toàn cỏ mọc được ruồi muỗi bu kín. Ở đây, không chỉ hôi thối mà mùi tanh nồng khiến cho “cả xã tránh xa”. Một số phần ruộng tiếp giáp với bức tường ngăn của dự án bị bỏ không, người ta lý giải đến cỏ còn không mọc được thì lúa làm sao trổ đòng.
Những bao tải xương gia súc sinh ra dòi bọ và thu hút vô số ruồi muỗi. |
Được biết, xã Bình Minh có 2 nghề với những hoạt động ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Thứ nhất là nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Thứ hai là thu mua, tập kết xương động vật để làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, tất cả các hộ dân tham gia 2 nghề này gần như không có kế hoạch cụ thể trong việc bảo vệ môi trường sống. Hậu quả là ngoài mùi hôi thối, thì hầu hết kênh mương thủy lợi lẫn cống thoát nước trong khu dân cư đều đen đặc nổi váng mỡ, kéo theo đó là các dịch bệnh nguy hiểm.
Trao đổi với ông Nguyễn Chính Dân - Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, ông Dân thừa nhận là môi trường địa phương vô cùng ô nhiễm. “Bây giờ là đã đỡ bẩn rất nhiều so với trước. Mấy năm trước, phóng viên mà về đây thì… không ngửi được”, ông Dân nói.
Hết phương án!
Theo ông Dân, địa phương có khoảng 180 hộ dân tham gia nghề giết mổ, một số hộ thêm nghề thu mua xương động vật về nghiền làm thức ăn gia súc. Trước đây, tất cả số xương mua được đều tập kết trong khu dân cư, sau đó vì quá ô nhiễm nên người dân đem xương ra cánh đồng.
Ông Dân cho biết, UBND xã Bình Minh đang rất nỗ lực để giải quyết triệt để các bãi xương gây ô nhiễm trên địa bàn. Nhiều lần chính quyền ban hành thông báo yêu cầu các hộ làm nghề không được tập kết xương động vật trái nơi quy định. Tuy nhiên, một số hộ dân không chấp hành nên UBND xã phải cưỡng chế.
Nói là vậy nhưng việc cưỡng chế những bãi xương ô nhiễm này không phải việc đơn giản. Ngay cả việc thuê nhân công chuyển các bao tải xương lên xe cũng rất khó vì ai cũng kinh sợ, còn thuê máy thì người điều khiển máy lại không dám đến gần… Thế nên, hàng chục tấn xương vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở cánh đồng Sái.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, để tập kết xương đúng nơi qui định thì UBND xã Bình Minh đã xây dựng khu tập kết hay chưa? Ông Dân nói rằng, vì nhu cầu cấp bách giải quyết ô nhiễm nên xã thống nhất để bà con tập kết xương tại dự án giết mổ gia súc, gia cầm.
Hiện, UBND xã Bình Minh yêu cầu tập kết xương động vật tại Dự án Khu giết mổ tập trung. |
Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh khu vực dự án cũng đang rất ô nhiễm vì chính hoạt động tập kết xương động vật? Ông Dân lắc đầu nói, thực ra không còn phương án nào khác vì hoạt động tập kết xương động vật quá ô nhiễm.
Hoạt động thu mua, tập kết xương động vật đã là nỗi kinh hoàng của người dân xã Bình Minh. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ của gần 200 hộ tại địa phương này cũng không hề thua kém. Bởi thế, dự án Khu giết mổ gia súc, gia cầm được UBND TP. Hà Nội phê duyệt năm 2012 với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Thế nhưng, đến nay sau gần chục năm mà khu giết mổ tập trung vẫn “đắp chiếu” cho cỏ mọc và trở thành điểm tập kết xương động vật một cách bất đắc dĩ.
Chúng tôi sẽ phản ánh rõ hơn về dự án này trong bài viết sau.