Những ngày gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn ở mức nghiêm trọng và có sự bất thường. Thay vì ô nhiễm theo giờ hoạt động giao thông thì tình trạng ô nhiễm kéo dài cả ngày với chỉ số rất cao.
Trên ứng dụng PamAir, không khí Hà Nội nhiều nơi ở mức cực kỳ nguy hại vào sáng 15/1. |
AQI nhiều nơi vượt mức 400
Sáng 15/1, hầu hết các ứng dụng đo chất lượng không khí đều cảnh báo tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều điểm ở Hà Nội. Ông Hoàng Dũng, Giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu ứng dụng cảnh báo ô nhiễm không khí PamAir cho biết, rất nhiều điểm chỉ số AQI đã vượt mốc 400 vào thời điểm đo 7h sáng ngày 15/1. Có thể kể đến như Thụy Phương 405, Dương Nội 462, Gia Lâm 451. Các điểm có mức ô nhiễm thấp hơn cũng đều có chỉ số AQI trên 300 như Giảng Võ 323, Đê La Thành 370, Ô Chợ Dừa 309, Tràng Thi 398, Vĩnh Hồ 321… Đây là cảnh báo ô nhiễm màu nâu, mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.
“Nhận thấy chỉ số ô nhiễm không khí ở mức rất nghiêm trọng như thế, sáng nay tôi đã từ chối cho con gái (đang học mầm non) đi dã ngoại cùng nhà trường. Trường học của con có kế hoạch đi vườn hoa Phương Linh gần bãi đá sông Hồng để chơi và chụp ảnh. Kế hoạch đi đã được lên chương trình từ trước. Vì biết và hiểu được tác hại của ô nhiễm tới sức khỏe trẻ nhỏ. nên tôi đã khuyên trường hoãn chuyến đi này sang dịp khác, nhưng do các phụ huynh khác cũng không muốn hoãn nên chuyến đi vẫn diễn ra. Tôi đành cho con gái ở lại lớp dù cháu thấy khá buồn”, ông Hoàng Dũng chia sẻ.
Tại cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội, AQI trung bình của buổi sáng ngày 15/1 là 174 ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh các hoạt động ngoài trời. Theo ông Hoàng Dũng, đáng lưu ý, theo biểu đồ ô nhiễm không khí ghi nhận mấy ngày gần đây thì đợt ô nhiễm này kéo dài gần như cả ngày, không theo quy luật thông thường là ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và sáng sớm, cải thiện vào trưa chiều.
Đây là đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu năm 2021. Từ 1/1, chất lượng không khí ở thủ đô duy trì trong khoảng trên dưới 150 đơn vị, đến hôm nay mới ghi nhận nhiều điểm có mức AQI trên 300, thậm chí 400.
Bất thường do nghịch nhiệt
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng là do các điều kiện khí hậu bất lợi. Việc thay đổi nền nhiệt, độ ẩm bất thường khiến các chất gây ô nhiễm bị "khóa lại", không thoát ra khỏi đô thị. Gió nóng, ẩm ở Biển Đông tràn vào kết hợp với không khí lạnh tràn về, cùng với đó là tác động của dải hội tụ khiến thời tiết Hà Nội có mưa phùn và sương mù dày đặc. Việc này tạo lớp cản, khiến cho chất gây ô nhiễm không khuếch tán đi được.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong những ngày tới, thời tiết Hà Nội sẽ vẫn có mưa nhỏ và sương mù dày nên chất lượng không khí chưa cải thiện ngay được. Những ngày tới nếu Hà Nội có thêm gió lạnh tăng cường hoặc hết hiện tượng sương mù thì chất lượng không khí mới cải thiện được.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời điểm không khí lạnh suy yếu như hiện nay thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao được mà đọng lại ở bề mặt khiến nồng độ chất ô nhiễm tăng cao. Trước và sau khi không khí lạnh tràn về sẽ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt gây ra trạng thái ô nhiễm không khí. Nghịch nhiệt là một hiện tượng của khí quyển xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Khi xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một “chiếc mũ” và dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyển, khiến cho các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí không thể khuếch tán lên cao.
Tổng cục Môi trường cho biết, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Chất lượng không khí tại Hà Nội vẫn sẽ duy trì ở mức xấu, rất xấu trong những ngày tới. Người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.