Hà Nội "làm lớn" chương trình thí điểm nhà ở xã hội tập trung thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Dự án Green Link City tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội có tổng diện tích lên đến 39,5ha, quy mô dân số 11.000 người. Đây là một trong những dự án thí điểm khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn của Hà Nội để mở hướng mới thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội của Thành phố.

“Mở lối” phát triển nhà ở xã hội

Tháng 6/2019 UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án thí điểm Khu nhà ở xã hội Thành phố kết nối xanh - “Green Link city”, thuộc địa giới hành chính xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Khu đất nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích khoảng 39,5ha, quy mô dân số dự kiến khoảng 11.000 người, được chia làm 05 ô quy hoạch được giới hạn bởi các tuyến đường chính khu vực, đường khu vực và đường phân khu vực.

Đây là một trong các dự án mà UBND TP Hà Nội đang thí điểm xây dựng nhà ở xã hội tập trung nhằm bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở.

Trong tổng số 39,5ha nghiên cứu quy hoạch, nhóm đất nhà ở có tổng diện tích khoảng 19,8ha (chiếm 50,4%). Bao gồm: đất nhà ở xã hội khoảng 12,3ha, đất nhà ở thương mại khoảng 2,3ha, đất đường giao thông nội bộ 3,9ha...

Đáng chú ý, trong dự án thí điểm nhà ở xã hội tập trung Green Link City, ngoài loại hình nhà ở xã hội tập trung, cũng sẽ có cả nhà ở liền kề và biệt thự thấp tầng. Cụ thể, trong nhóm đất nhà ở thương mại, có sự xuất hiện của nhà ở thấp tầng dạng biệt thự, với tổng diện tích khoảng 1,36ha, và nhà ở thương mại thấp tầng dạng liền kề diện tích gần 01ha.

Chủ trương thí điểm nhà ở xã hội tập trung đã được UBND TP Hà Nội rục rịch tìm hướng cho triển khai từ cách đây vài năm. Vào tháng 8/2016, Thường trực Thành ủy Hà Nội thời điểm đó đã có văn bản về việc xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn thành phố. Theo tài liệu phóng viên thu thập được, cho tới thời điểm tháng 8/2019, Hà Nội bắt đầu cho triển khai 05 khu nhà ở xã hội tập trung tại một số quận, huyện với tổng diện tích dự kiến là 272,45ha.

Các dự án hiện đều mới chỉ trong giai đoạn ban đầu quy hoạch và số liệu diện tích đất quy hoạch cũng như cơ cấu sẽ còn thay đổi. Việc thí điểm nhà ở xã hội tập trung bằng các khu dự án vài chục hecta đất là hướng mở mới để Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, cũng như để đáp ứng được quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, việc triển khai ở quy mô rất lớn, với 5 dự án, diện tích dự kiến là 272,45ha, quy mô hàng chục nghìn căn hộ, hàng trăm nghìn dân... lại cho thấy Hà Nội dường như khá phiêu lưu với chương trình "thí điểm" này. 

"Thí điểm" có thể đúng, có thể sai. Nếu chương trình hiệu quả thì là may mắn. Nhưng nếu chương trình thí điểm này thất bại, không quá khó để thấy cả chương trình nhà ở xã hội của Hà Nội phải nghiên cứu lại từ đầu, trong khi vài trăm ha đất, hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư và hàng chục nghìn hộ dân đã phải đóng vai "chuột bạch" cho chương trình thí điểm.

Vì sao một thành phố lớn như Hà Nội phải vội vàng và phiêu lưu đến thế với quy mô thử nghiệm này? 

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Còn phải chờ thủ tục

Với dự án thí điểm Khu nhà ở xã hội Thành phố kết nối xanh - Green Link City, UBND TP Hà Nội đã giao Liên danh Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp)Công ty CP bất động sản Vinalines (Vinalines Land) làm chủ đầu tư lập quy hoạch dự án.

Trong đó, Hancorp là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1982, đến năm 2014 được chuyển đổi thành công ty cổ phần với số vốn điều lệ là 1.410 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này vốn hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp và là nhà đầu tư về hạ tầng, khu đô thị mới. Hancorp đã và đang triển khai hàng loạt các dự án đặc biệt tại Khu Ngoại giao đoàn như: dự án khu nhà N01-NG, N02-NG Ngoại giao đoàn; dự án nhà ở cao tầng N01-T8-NGĐ; Dự án BT1-BT6 Ngoại giao đoàn; Khu Biệt thự Ngoại giao đoàn...

Đối tác của Hancorp trong thương vụ “nhà ở xã hội tập trung” là Vinalines Land, có trụ sở tại Hà Nội, được thành lập năm 2007, do 03 cổ đông góp vốn thành lập.

Thời điểm tháng 12/2017, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sở hữu 40,8% cổ phần công ty với giá trị 122,4 tỷ đồng, Công ty CP đầu tư và xây dựng sông Đà Hà Nội sở hữu 24% cổ phần, tương đương giá trị khoảng 72 tỷ đồng, và Công ty CP Tập đoàn Phú Thái nắm giữ 10% cổ phần tương đương giá trị khoảng 30 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy tổng số cổ phần phổ thông 03 doanh nghiệp này nắm giữ là khoảng 74,8%. Nên nhiều khả năng số tỷ lệ trên 20% cổ phần còn lại của Vinalines sẽ còn do nhóm cổ đông khác nắm giữ. Doanh nghiệp này hiện do ông Vũ Mạnh Dương làm Chủ tịch HĐQT.

Ngoài Vinalines Land, ông Dương còn là chủ của Công ty CP phát triển đô thị Đông Anh, và Công ty CP Tây phương cực lạc Hòa Bình. Trong các doanh nghiệp này, Vinalines Land đều nắm giữ tỷ lệ vốn lớn.

Tại Công ty CP phát triển đô thị Đông Anh có 3 cổ đông sáng lập là Công ty CP Tập đoàn thương mại và đầu tư phát triển Việt Nam, Công ty CP ô tô 1-5 và Vinalines Land giữ vai trò là công ty mẹ. Tới tháng 11/2019 Vinalines Land đã nắm giữ tới 96,85% cổ phần, trong khi đó Tập đoàn thương mại và đầu tư Việt Nam chỉ còn sở hữu 1,77% cổ phần.

Công ty CP phát triển đô thị Đông Anh được biết đến là chủ đầu tư của dự án Happy Land Đông Anh (khu tổ hợp Thương Mại – Dịch vụ – Nhà ở 1/5) nằm tại thị trấn Đông Anh có tổng diện tích là 7,47ha được thiết kế gồm 346 căn nhà liền kề.

Vai trò của Vinalines Land tại Công ty CP Tây phương cực lạc Hòa Bình cũng tương tự. Đến tháng 10/2017 Vinalines Land nắm giữ tới 49,525% cổ phần của Công ty CP Tây phương cực lạc Hòa Bình, còn Công ty CP Tập đoàn thương mại và đầu tư phát triển Việt Nam chỉ còn giữ 0,57%. Trước đó, có thời điểm Vinalines Land sở hữu 89,525 cổ phần công ty này.

Nhiều thông tin cho thấy Công ty CP Tây phương cực lạc Hòa Bình là chủ đầu tư của Dự án Viện dưỡng lão và công viên tâm linh vĩnh hằng tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tổng diện tích thu hồi là 98,2ha.

Trở lại dự án khu nhà ở xã hội tập trung thí điểm - Green Link City, hiện nay dự án mới chỉ qua giai đoạn phê duyệt quy hoạch, sẽ phải trải qua nhiều thủ tục khác các nhà đầu tư mới được triển khai thực tế. Vậy thì Liên danh Hancorp - Vinalines Land sẽ chọn trực tiếp triển khai dự án, hay chọn phương án thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai?

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top