Thấy gì từ thí điểm nhà ở xã hội tập trung tại Hà Nội?

(khoahocdoisong.vn) - TP Hà Nội hiện đang thí điểm lập 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích lên tới 272,45ha. Theo quy định, các khu đô thị trên 10ha thì phải dành 20% quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội. Liệu sau thí điểm thì các “siêu” đô thị còn phải thực hiện quy định này hay không?

“Gom” nhà ở xã hội

Hiện, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo cơ quan hành chính trực thuộc và các nhà đầu tư thực hiện dự án thí điểm “Khu nhà ở xã hội tập trung”. Theo tài liệu phóng viên thu thập được, thời điểm tháng 8/2019, Hà Nội đang cho triển khai 05 khu nhà ở xã hội tập trung tại một số quận, huyện với tổng diện tích dự kiến là 272,45ha.

Cụ thể, đó là 2 Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh; và Khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín.

Do các dự án nhà ở xã hội tập trung đang trong công tác tổ chức quy hoạch, cho nên diện tích cũng như cơ cấu quy hoạch sử dụng đất tại các dự án này sẽ vẫn được tiếp tục điều chỉnh. Con số 272,45ha có lẽ chưa phải là “số chốt” cuối cùng.

Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội nằm rải rác ở nhiều quận, huyện. Số liệu tới tháng 5/2018 cho thấy, Hà Nội có gần 10 dự án nhà ở xã hội đang thực hiện bán và cho thuê như: Khu nhà ở xã hội Ecohome 2 tại Bắc Từ Liêm; Nhà 19T1 thuộc Dự án xây dựng nhà ở thu nhập thấp tại Kiến Hưng, Hà Đông; Lô đất số 5, B2, tại khu nhà ở xã hội, nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng tại huyện Đông Anh;  Khu nhà ở xã hội Phú Lãm tại quận Hà Đông; Dự án Khu nhà ở Thạch Bàn tại Long Biên...

Ngoài ra, còn có trên 20 dự án nhà ở xã hội đang triển khai như: Khu nhà ở xã hội ô đất quy hoạch K-1 thuộc quận Nam Từ Liêm; Phần nhà ở xã hội tại các ô đất CT5, CT6 dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt quận Hoàng Mai; Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại ô đất CT3, CT4 thuộc khu đô thị mới Kim Chung huyện Đông Anh; Dự án khu nhà ở xã hội tại ô đất B8.NXH thuộc khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội quận Long Biên; Dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Khu đô thị mới Hạ Đình...

Rõ ràng việc thí điểm nhà ở xã hội tập trung bằng các khu dự án vài chục hecta đất là hướng mở mới, để Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, cũng như để đáp ứng được quy định pháp luật hiện hành. Nhưng nếu thành công và được nhân rộng, cơ chế này sẽ tác động theo hướng nào đối với các “siêu” dự án diện tích trên 10ha - lẽ ra cần phải thực hiện nghĩa vụ dành 20% diện tích xây dựng “nhà ở xã hội” theo quy định?

Hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội đã phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Hiện tại trên địa bàn TP Hà Nội đã phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội. (Ảnh minh họa, nguồn internet).

Thoát quy định, mở lối cho siêu dự án?

Trong các giai đoạn, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc sử dụng quỹ đất để thực hiện phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, văn bản ban hành tháng 6/2010 quy định: Tại các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy mô từ 10ha trở lên, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại 20% diện tích đất xây dựng nhà ở sau khi đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để phát triển quỹ nhà phục vụ nhu cầu tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và các mục đích khác theo yêu cầu của Thành phố.

Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm điều tiết một phần lợi ích từ Nhà đầu tư sang Nhà nước để hình thành nhà ở, quỹ đất ở phục vụ các yêu cầu chung của xã hội.

Nhưng với quy định này, mặc nhiên các dự án khu đô thị có quy mô lớn, thường do các “ông lớn” bất động sản thực hiện, buộc phải dành 20% quỹ đất cho “nhà ở xã hội”, cho dù đó có thể là khu đô thị cao cấp.

Việc này đã “gây khó” cho nhiều “siêu” dự án. Thực tế, năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm lớn tại các dự án ở Hà Nội mà các khu đô thị trên 10ha đất đã không dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, mà cho phép chủ đầu tư nộp tiền “chênh lệch giữa giá bán kinh doanh so với giá xây dựng”. Trong khi, việc xác định giá bán và giá thành không chính xác, dẫn đến thất thu cho Nhà nước, thậm chí có biểu hiện của cơ chế xin - cho. Thanh tra Chính phủ cho biết, cũng có nhiều dự án đã dùng quỹ đất này để bán cho chính cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan của UBND TP Hà Nội, và các cơ quan Trung ương...

Chẳng hạn, tại dự án Tổ hợp đa năng Làng quốc tế Thăng Long do Tổng Công ty xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, đã được UBND TP Hà Nội cho phép nộp tiền chênh lệch. Nhưng đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư chưa nộp vào Ngân sách số tiền là 247,224 tỷ đồng.

Quỹ đất 20% tại Dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở cao tầng Hapulico do Công ty CP bất động sản Hapulico làm chủ đầu tư được xây nhà chung cư cao tầng bán cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và cán bộ công chức một số cơ quan Trung ương.

Quỹ đất 20% tại Khu đô thị Cổ Nhuế UBND TP Hà Nội đã giao cho Công ty CP đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC (khu CT2, diện tích 7.269m2) xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan của TP Hà Nội.

Quỹ đất 20% tại dự án Khu đô thị mới Trung Văn lại được giao cho chủ đầu tư để xây dựng chung cư cao tầng kinh doanh và lấy lợi nhuận làm đường dẫn vào chính khu đô thị.

Hay dự án khu nhà ở để bán Sài Đồng, Long Biên do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội đã bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc quỹ nhà mà chủ đầu tư đúng ra phải nộp cho thành phố.

Như vậy có thể thấy, những năm qua việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất tại các khu đô thị lớn là ít hiệu quả, trách nhiệm này phần lớn thuộc về cả chính quyền TP Hà Nội, cũng như của các nhà đầu tư.

Việc thí điểm các dự án nhà ở xã hội tập trung hay - nói cách khác là “gom” quỹ đất lớn để xây nhà ở xã hội - liệu có thể sẽ giảm áp lực nhà ở xã hội cho các “siêu” dự án bất động sản? Nếu hướng này đúng, việc “ứng xử” với quỹ 20% đất ở trong các khu đô thị cao cấp sẽ xử lý ra sao? Cần lưu ý là, 20% diện tích đất ở là không nhỏ để phát triển dự án và thu lợi nhuận.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top