Hoàng Thành với dự án “trong nhà ở xã hội có biệt thự liền kề” tại Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Ngoài việc nắm quyền chi phối triển khai dự án “Hoàng Thành Pearl’s” thông qua thâu tóm cổ phần của BTH, hiện nhà đầu tư Hoàng Thành đang liên kết triển khai “siêu dự án nhà ở xã hội” hơn 40ha tại Đông Anh, Hà Nội, với những cơ chế, chính sách đặc thù.

Thí điểm nhà ở xã hội có biệt thự

Như đã nêu tại bài Đất vàng Cầu Diễn về tay Hoàng Thành qua thương vụ thoái vốn đã được Báo KH&ĐS đăng tải số báo 20 xuất bản ngày 14/2/2020, đến nay Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành) đã thâu tóm thành công Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (MCK: BTH). Qua đó trở thành công ty mẹ của BTH để nắm quyền chi phối triển khai dự án chuyển đổi 1,47ha đất nhà xưởng BTH tại số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, Hà Nội thành dự án bất động sản có tên thương mại “Hoàng Thành Pearl’s”.

Để đạt được kết quả trên, vào năm 2014, Hoàng Thành đã mua lại toàn bộ 49,49% cổ phần của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) tại BTH chỉ với giá 16,3 tỷ đồng. Đồng thời là mua thành công 1.250.000 cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại BTH lên 65% vào năm 2018. Trước đó, Hoàng Thành cũng được chọn là nhà đầu tư chiến lược tại BTH.

Ngoài việc “thâu tóm” thành công 1,47ha đất vàng Cầu Diễn, hiện nay Hoàng Thành cũng đang hợp tác với Tổng công ty Viglacera đề xuất TP Hà Nội triển khai “siêu dự án nhà ở xã hội tập trung quy mô lên đến trên 40ha tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Theo quy hoạch được phê duyệt vào tháng 5/2018 trong tổng diện tích nghiên cứu 44,72ha thì nhóm đất ở có tổng diện tích 16,66ha (chiếm 37,25%). Trong đó có khoảng 13,19ha đất nhà ở xã hội gồm 09 lô đất; còn 3,3ha đất để xây dựng nhà ở thương mại với chung cư thương mại 2,3ha gồm 02 lô và 1,02ha nhà ở thấp tầng (nhà ở liền kề) gồm 08 lô.

Mới đây UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép được chỉ định Liên danh Hoàng Thành - Viglacera làm chủ đầu tư thực hiện dự án này.

Được biết, tổng mức đầu tư dự kiến thực hiện dự án là hơn 5.351 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là khoảng 1.284 tỷ đồng (tương đương khoảng 24% tổng mức đầu tư của dự án). Cụ thể, Viglacera góp 48,3%, phía Hoàng Thành góp 51,7%. Thời gian thực hiện dự án từ quý 2/2018 đến quý 4/2025.

Như vậy có thể thấy, Liên danh này đề nghị được triển khai siêu dự án quy mô trên 40ha đất với “mác” nhà ở xã hội tập trung. Nhưng trong quy hoạch này vừa có nhà ở xã hội vừa có chung cư thương mại và biệt thự liền kề để bán. Trong khi đó, đây là dự án nằm trong loạt  “dự án thí điểm khu nhà ở xã hội tập trung” của TP Hà Nội, có mục tiêu bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân thuộc đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Hoàng Thành nắm quyền chi phối lớn triển khai dự án "Hoàng Thành Pearl's" trên nền đất nhà xưởng của Công ty CP chế tạo biến thế và vật liệu HN.

Hoàng Thành nắm quyền chi phối lớn triển khai dự án "Hoàng Thành Pearl's" trên nền đất nhà xưởng của Công ty CP chế tạo biến thế và vật liệu HN.

Nhóm cổ đông “lõi”

Về nhà đầu tư Hoàng Thành, tìm hiểu cho thấy đây là doanh nghiệp được thành lập năm 2004, hiện đóng trụ sở chính là Tòa nhà Hoàng Thành, số 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hoàng Thành do 15 cổ đông góp vốn sáng lập, gồm 01 pháp nhân duy nhất là Công ty CP tài chính và phát triển doanh nghiệp (FBS)  và 14 cá nhân. Trong đó, 02 cổ đông lớn nhất là pháp nhân FBS và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc lần lượt sở hữu 10,95% và 17,37% cổ phần.

Tới tháng 8/2018, nhiều cổ đông sáng lập tại Hoàng Thành đã thoái vốn, khiến vốn điều lệ của công ty giảm từ 925 tỷ đồng xuống còn 726,966 tỷ đồng.

Trong đó, pháp nhân FBS thoái hết vốn, cá nhân bà Nguyễn Thị Bích Ngọc giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 12,724%. Tuy nhiên, so với các cổ đông sáng lập khác, bà Ngọc vẫn sở hữu số cổ phần lớn tại Hoàng Thành.

Sau khoảng 2 tháng từ thời điểm FBS và một loạt cổ đông thoái vốn, tới tháng 10/2018, Hoàng Thành lại tăng vốn điều lệ lên 1.287 tỷ đồng. Với sự xuất hiện của cổ đông pháp nhân đến từ Nhật Bản, đó là Công ty The Sankei Building. Điều này đồng nghĩa Hoàng Thành có dòng tiền từ nhà đầu tư Nhật Bản.

Dù về hình thức có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông, nhưng hiện tại Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành vẫn do bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1957) làm Chủ tịch HĐQT, còn anh trai của bà Ngọc là ông Nguyễn Như Vinh (SN 1951) đang giữ chức Tổng Giám đốc. 

Bên cạnh đó bà Ngọc còn là Thành viên HĐQT Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) từ năm 2010 tới nay. Như đã nói trong bài trước, Gelex chính là pháp nhân đã bán non nửa vốn tại Công ty BTH cho Hoàng Thành vào năm 2014. Đây là bước quan trọng giúp Hoàng Thành nắm quyền chi phối BTH triển khai dự án “Hoàng Thành Pearl’s”.

Ngoài việc đồng thời là thành viên HĐQT Gelex và Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành, các con trai của bà Ngọc - ông Hoàng Ngọc Kiên và Hoàng Ngọc Quân cũng lần lượt sở hữu 22,93% và 5,16% vốn tại BTH.

Tòa nhà Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Tòa nhà Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Tìm hiểu cho thấy bà Ngọc là vợ của ông Hoàng Vệ Dũng - người giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang (Dugarco), Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát.

Tại Dugarco các cá nhân trong gia đình ông Hoàng Vệ Dũng cũng nắm giữ số cổ phiếu lớn. Thời điểm chốt ngày 31/12/2018 ông Dũng nắm giữ 1.017.068 cổ phiếu (11,3%); chốt ngày 27/7/2017 bà Ngọc sở hữu 429.083 cổ phiếu (4,77%); ngoài ra đến ngày 31/12/2018 con trai ông Dũng là Hoàng Ngọc Quân cũng sở hữu 112.476 cổ phiếu (1,25%).

Trong Dugarco thì nhóm cổ đông trong gia đình ông Dũng sở hữu tỷ lệ cổ phiếu lên tới 17.32%, lớn thứ 2 sau Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (25.27%).

Như vậy có thể thấy bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Hoàng Vệ Dũng hiện đều nắm giữ vị trí quan trọng của các doanh nghiệp trước đây xếp vào nhóm doanh nghiệp Nhà nước (Gelex và Dugarco). Sau cổ phần hóa, tại các doanh nghiệp này ngày một thể hiện vai trò lớn của gia đình bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và ông Hoàng Vệ Dũng.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top