Hà Nội chìm trong không khí ô nhiễm: Ai dễ gặp nguy hiểm?

Bụi mịn hấp thụ qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập vào phế nang phổi và đi vào máu.

Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là những nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với bụi PM2.5.

Số trẻ nhập viện tăng

Những ngày gần đây, nhiều khu vực ở Hà Nội thường xuyên “chìm” trong bầu không khí trắng đục và khói bụi. Trước đó, sáng 28/12, theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), chất lượng không khí một số khu vực của Hà Nội ở mức nguy hiểm tới sức khỏe.

Theo Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), trong tháng cuối năm 2023, số trẻ đến khám và nhập viện do bệnh hô hấp có dấu hiệu gia tăng đột biến, cao gấp đôi với những tháng trước.

Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, một số bị suy hô hấp, sốt cao. Bệnh viện điều trị cho khoảng hơn 100 trẻ. Trong đó, phần lớn là các bé mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, cúm.

Không chỉ trẻ em, nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền, sức khoẻ kém cũng mắc và nhập viện do bệnh hô hấp. Người cao tuổi khi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp thường diễn biến nặng và khó lường hơn người trẻ.

Theo thống kê, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam thường có 4 - 5 bệnh nền như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn… Vì vậy, người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền ít nhiều đã sẵn có tổn thương ở biểu mô đường hô hấp. Khi có điều kiện thuận lợi, các bệnh này tái phát và biến chứng nguy hiểm hơn.

Khoảng thời gian mùa lạnh, thời tiết hanh khô, bụi mịn PM2.5 dễ dàng khuếch tán trong không khí do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết chênh lệch ngày - đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, bụi mịn hấp thụ qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập vào phế nang phổi và đi vào máu.

Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là những nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với bụi PM2.5.

Bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể. Do đó, để phòng ảnh hưởng của bụi mịn, cần hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc. ThS.BS Mai Mạnh Tam khuyến cáo, người dân cần hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, hạn chế di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc.

Người dân cũng nên tránh mở cửa sổ, cửa ra vào ở khung giờ cao điểm 7 – 8 giờ và 18 – 19 giờ. Đây cũng là thời điểm bụi mịn hoạt động mạnh, không khí bị ô nhiễm nặng.

Không tự ý dùng thuốc

Bác sĩ Mai Mạnh Tam cũng cho biết, việc đóng kín cửa làm cản trở không khí lưu thông trong nhà, thuận lợi cho việc vi sinh vật gây hại lưu lại lâu hơn trong không khí, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Vì đó, các gia đình có thể mở cửa sổ, cửa ra vào ngoài giờ cao điểm, khi có chất lượng không khí tốt hơn. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống cũng giúp hạn chế bụi mịn.

Với người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, trẻ em và người cao tuổi có sức đề kháng yếu, cần ghi nhớ đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Khẩu trang thông thường không lọc được các hạt bụi siêu mịn PM2.5.

Để lọc các loại bụi siêu mịn này, cần đeo khẩu trang chuyên dụng, khẩu trang N95, N99. Khẩu trang y tế thông thường chỉ lọc được 30 - 40% lượng bụi và có hiệu quả lọc bụi lên tới 90% nếu sử dụng đồng thời 2 khẩu trang.

Các ổ nhiễm khuẩn ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng có thể khiến vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới, làm tái phát các đợt cấp ở người bệnh mắc bệnh phổi mạn tính như COPD, giãn phế quản, xơ phổi… Do đó, người bệnh hô hấp mạn tính mắc thêm các bệnh lý viêm nhiễm vùng hầu họng, cần xử trí sớm và triệt để ổ viêm.

“Không tự ý dùng thuốc tại nhà, khám bệnh và điều trị theo đúng phác đồ được chỉ định là 2 lưu ý quan trọng đảm bảo sức khỏe ở người bệnh phổi mạn tính”, bác sĩ Mai Mạnh Tam nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian thời tiết chuyển lạnh, ánh sáng Mặt trời ít hơn là điều kiện để virus sinh sôi nảy nở trong môi trường, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp.

Việc giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh về đường hô hấp, bởi nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến người già và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp. Vì vậy, cần mặc ấm khi ra ngoài trời lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời.

Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Ngoài ra, nên tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao hoặc môi trường nhiều bụi. Không nên hút thuốc; tránh khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

Mỗi người cần chú ý vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi mỗi ngày... để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp. Để có sức đề kháng tốt, cần ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, chế độ sinh hoạt phải bảo đảm khoa học.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp, những người có bệnh hô hấp mãn tính cần dừng ngay thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt là những bệnh nhân bị viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang.

Theo Đời sống
Khởi tố 3 đối tượng lừa bán vé xe trên mạng

Khởi tố 3 đối tượng lừa bán vé xe trên mạng

Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng, gồm: P.V.V (SN: 2003), P.V.Q (SN: 2004) và P.N.B (SN: 2006, cùng trú tại Nam Định) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
back to top