Viêm VA là bệnh thường gặp và hay tái phát đặc biệt ở trẻ. Triệu chứng chính và đầu tiên của bệnh là ngạt mũi. Lúc đầu ngạt ít, về sau ngạt nhiều. Cả hai bên mũi đều thở khó. Mũi thường hay bị viêm như tiết nhầy và mũi chảy thò lò ra cửa trước mũi. Bệnh nhân hay ho và sốt vặt. Tối ngủ không yên giấc, hay ngáy to, hay giật mình. Tai nghễnh ngãng, thường hay bị viêm.
Trẻ phát triển chậm hơn so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống ít biết ngon. Người có thể gầy hoặc béo bệu với nước da trắng bệch. Bệnh nhân thường hay sốt vặt, năm ngày ba tật. Bệnh nếu không được điều trị sẽ gây biến chứng viêm nhiễm và rối loạn về phát triển thể chất và tinh thần.
Sùi vòm họng gây nhiều biến chứng về thể chất và tinh thần
Biến chứng viêm nhiễm: Viêm thanh quản, khí quản và phế quản chiếm một tỷ lệ cao đối với các loại viêm nhiễm khác. Ho dai dẳng, sốt vặt là triệu chứng chính. Nó còn gây ra những cơn khó thở đột ngột hoặc kịch liệt về đêm (viêm thanh quản rít) ở những người có thể địa co thắt. V
iêm tai đứng hàng thứ hai sau viêm thanh quản và thường đưa đến điếc, điếc không nặng lắm, chỉ nghễnh ngãng là chính. Viêm đường tiêu hóa thường biểu hiện đau bụng, đi ngoài ra nhầy, ra nước. Một số tác giả nghĩ rằng viêm VA có thể gây ra viêm ruột thừa. Viêm hạch thường là hạch trên nhiều vùng ở cổ, hạch nhỏ bằng hạt đậu nành, không đau, di động dễ.
Trong những cơn bộc phát, hạch có thể mưng mủ, nhất là hạch Gilet gây ra áp xe thành sau họng ở hài nhi. Viêm thận trong viêm VA nhẹ hơn trong viêm amydan mạn tính. Sự thay đổi bệnh lý của nước tiểu là anbumin tăng. Viêm ở mắt thường là viêm màng tiếp hợp, viêm mí mặt, chảy nước mắt.
Rối loạn về phát triển thể xác và tinh thần: Ngoài bộ mặt sùi vòm hay bộ mặt VA, bệnh nhân còn có những biến dạng ở thân mình như lồng ngực bị dẹp và hẹp bề ngang, lưng bị cong vẹo hoặc gù, bụng ỏng, đít teo. Về mặt tinh thần, trẻ bị bệnh thường không tập trung tư tưởng, lười biếng, buồn ngủ, trong lớp thường học kém.
Sở dĩ có hiện tượng đó là do nghe kém, trẻ không hiểu những lời giảng của giáo viên, không thấy hứng thú trong học tập. Muốn nghe đầy đủ bài giảng trẻ phải gắng gấp đôi, gấp ba một trẻ bình thường nhưng bộ máy hô hấp của trẻ bị bệnh không đủ sức cho trẻ làm việc này.
Tuy nhiên, sự phát triển trí tuệ hạn chế này không phải do ngu đần hay bệnh tích ở não gây ra mà do nghe kém và thở kém. Nếu giải quyết được hai điểm này thì trẻ học hành bình thường. Tiên lượng của bệnh không đáng ngại nếu bệnh được giải quyết kịp thời trước khi biến chứng trở thành cố định.
BSCK II Vũ Đức Chung (Bệnh viện Quân y 354)