GS.TS Nguyễn Quang Tuấn xin thực hành nghề y tại bệnh viện Hữu Nghị

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có đơn xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề.

GS. Nguyễn Quang Tuấn, từng là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Tim Hà Nội, đã bị vướng vòng lao lý với tội danh "Vi phạm trong đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng" và chịu mức án 3 năm tù. Tuy nhiên, ông Tuấn không bị cấm hành nghề.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ thi hành án, ông Tuấn đã xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để được cấp chứng chỉ hành nghề trước khi chính thức hoạt động khám, chữa bệnh.

Trước nguyện vọng của một giáo sư tim mạch nổi tiếng, Bệnh viện Hữu Nghị đã đồng ý tiếp nhận ông và bố trí thực hành tại Khoa Khám, chữa bệnh của Bệnh viện từ 1/7/2024. Vì theo quy định, GS. Tuấn sẽ phải “làm lại từ đầu” như sinh viên mới tốt nghiệp, phải thực hành nghề 12 tháng để được cấp chứng chỉ hành nghề, rồi mới hành nghề chính thức trở lại.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn trở lại nghề y tại bệnh viện Hữu Nghị

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn trở lại nghề y tại bệnh viện Hữu Nghị

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ông Nguyễn Quang Tuấn thuộc trường hợp không hành nghề trên 24 tháng nên sẽ thực hành trong 12 tháng. Sau khi có xác nhận thực hành thì làm hồ sơ để cấp giấy phép hành nghề thuộc trường hợp không hành nghề.

Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng...

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Điều 31 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 về nội dung cấp lại giấy phép hành nghề quy định gồm các trường hợp: Đã được cấp giấy phép hành nghề; Đáp ứng các điều kiện phù hợp với nội dung đề nghị cấp lại; Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

Tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật...

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, sinh năm 1967, là một bác sĩ giỏi với quá trình học tập, công tác có nhiều thành tích nổi trội.

Ông từng phục vụ trong quân đội, thuộc Quân chủng Phòng không. Năm 1988, ông đỗ Trường Đại học Y Hà Nội rồi thi đỗ bác sĩ nội trú chuyên ngành Tim mạch và làm Thực tập sinh tại Bệnh viện Perpignan và Trung tâm viện Trường Rangueil, Toulouse, Cộng hoà Pháp.

Năm 1997, ông tiếp tục học bác sĩ nội trú và làm đề tài tốt nghiệp tại bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội và trở thành giảng viên bộ môn Tim mạch của Trường, đồng thời là bác sĩ điều trị tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Đến năm 2005, ông trở thành Tiến sỹ Y học và được phong hàm Phó Giáo sư y học vào năm 2009, phong hàm Giáo sư chuyên ngành Nội Tim mạch năm 2018.

Ông từng là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và là Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương.

Ông từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và được nhận danh hiệu "Nhân tài Đất Việt năm 2010" trong lĩnh vực y tế với đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông (Đặt stent)”, danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm…

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần vào công tác kiểm soát dịch.

Theo Đời sống
back to top