GS.TS Nguyễn Quang Tuấn muốn giúp bệnh nhân bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình

Sau khi ra tù, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn trở lại nghề y chỉ muốn tập trung vào công việc chuyên môn, mang kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp bệnh nhân.

Trở lại làm nghề bác sĩ sau bản án ba năm tù, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, 57 tuổi, chuyên gia đầu ngành về bệnh tim mạch, nguyên giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bắt đầu thực hành bác sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị từ ngày 1/7.

Ông vừa mãn hạn ba năm tù vì Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ án nâng giá vật tư y tế gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng trong thời gian làm Giám đốc Bệnh viện tim.

Ông bị tước chứng chỉ, không bị cấm hành nghề y sau khi chấp hành bản án, do hành vi phạm tội không liên quan đến chuyên môn mà trong công tác quản lý.

Được chữa bệnh là điều hạnh phúc

Hơn 1 tuần qua, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) để đủ điều kiện xin cấp giấy phép hành nghề.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng 12/7, một số bệnh nhân cho biết khá vui và bất ngờ khi được GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch - tư vấn.

GS.TS Tuấn cho biết, ông bắt đầu thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị từ ngày 1/7. Công việc hằng ngày của bác sĩ thực hành như ông là đi buồng bệnh thăm tình trạng các bệnh nhân cùng các bác sĩ, hội chẩn ca bệnh khó để đưa ra chẩn đoán sớm nhất, chính xác nhất, lựa chọn được phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Vì chưa có chứng chỉ hành nghề nên bác sĩ Tuấn chỉ quan sát người bệnh chứ không được thăm khám bệnh nhân. GS.TS Tuấn cho biết công việc chính của ông là tư vấn cho đồng nghiệp những ca bệnh nặng bằng kinh nghiệm nhiều năm hành nghề trước đây của mình.

Nói về lý do lựa chọn Bệnh viện Hữu Nghị để thực hành, GS.TS Tuấn cho biết Bệnh viện Hữu Nghị là nơi điều trị cho những cán bộ cao cấp, cũng nơi có nhiều bệnh nhân cao tuổi, mắc bệnh nặng hoặc mắc nhiều bệnh một lúc. Ông muốn được thực hành tại đây để cùng đồng nghiệp chữa trị cho các bệnh nhân đó bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình.

Trả lời câu hỏi điều gì khiến ông quyết định trở lại nghề y sau biến cố?, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết: "Tôi là bác sĩ, đương nhiên tôi sẽ làm nghề y, chữa bệnh cứu người. Cuộc đời có thể có va vấp, nhưng ngã ở đâu đứng dậy từ đó. Điều quan trọng nhất ta vẫn có khả năng, trí tuệ, kiến thức, sức khỏe để cống hiến cho xã hội, cho bệnh nhân. Đây là hạnh phúc của tất cả bác sĩ, không riêng gì tôi".

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn đang thực hành tại bệnh viện Hữu Nghị

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn đang thực hành tại bệnh viện Hữu Nghị

“Chưa bao giờ tôi có ý tưởng bỏ nghề, hai từ "bác sĩ" nó đã ngấm vào máu chứ không phải là muốn. Làm bác sĩ thực hành sau 30 năm hành nghề thì đúng là chưa có tiền lệ. Ít người nào bị như mình mà quay trở lại công việc, hoặc họ trốn tránh thực hành 12 tháng để chuyển sang làm quản lý, vì quản lý không bắt buộc phải có giấy phép hành nghề. Nhưng thực ra được trực tiếp khám chữa bệnh là ước muốn của tất cả bác sĩ” – GS.TS Tuấn tâm sự

Theo GS.TS Tuấn, lựa chọn Bệnh viện Hữu Nghị bởi đây là môi trường học tập tốt, có đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt bệnh nhân hầu hết là cán bộ đã về hưu, các ca bệnh cực kỳ khó, lớn tuổi, nhiều bệnh....là nơi ông có thể nâng cao kiến thức, kinh nghiệm của mình hơn nữa trong chuyên môn. Ông hy vọng sau 12 tháng thực hành sẽ có sự trưởng thành nhất định trong chuyên môn, kinh nghiệm điều trị khám chữa bệnh các bệnh tim mạch cho người bệnh.

Chia sẻ về khoảng thời gian sau 1 năm thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị sẽ làm gì, bác sĩ Tuấn khẳng định: “Tôi sẽ quay trở lại làm bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân”.

GS.TS phải đi thực hành có đúng?

Trả lời câu hỏi này, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ông Nguyễn Quang Tuấn thuộc trường hợp không hành nghề trên 24 tháng nên sẽ thực hành trong 12 tháng. Sau khi có xác nhận thực hành, thì làm hồ sơ để cấp giấy phép hành nghề thuộc trường hợp không hành nghề.

Theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sĩ là 12 tháng, trong đó, thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 9 tháng; thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 3 tháng...

Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kĩ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, điều 20 quy định các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kĩ thuật; Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kĩ thuật...

Theo điều 31: Cấp lại giấy phép hành nghề gồm đã được cấp giấy phép hành nghề; Đáp ứng các điều kiện phù hợp với nội dung đề nghị cấp lại; Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn muốn tập trung vào công việc chuyên môn, mang kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp bệnh nhân.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn muốn tập trung vào công việc chuyên môn, mang kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp bệnh nhân.

ThS.LS Trần Kim Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề khám chữa bệnh cần bao gồm những giấy tờ sau: Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề;

Văn bản xác nhận đạt kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề hoặc giấy phép hành nghề đã được thừa nhận; Giấy khám sức khỏe, giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp; Sơ yếu lý lịch của người đề nghị và bản sao Giấy chứng nhận lương y, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền (nếu có).

Đối với trường hợp cấp lại giấy phép hành nghề cho người đã bị thu hồi giấy phép do phải chấp hành bản án hình sự có hiệu lực của Tòa án, theo khoản 8 Điều 16 Nghị định này, ngoài những giấy tờ nêu trên, người đề nghị còn phải cung cấp thêm bản chính hoặc bản sao hợp lệ của Quyết định thu hồi giấy phép hành nghề và Giấy chứng nhận chấp hành xong bản án, quyết định của tòa án.

Trong số các giấy tờ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề nêu trên, nếu ông Tuấn hiện chưa có Văn bản xác nhận đạt kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề thì chưa được cấp giấy phép hành nghề.

Để có được văn bản xác nhận năng lực hành nghề, căn cứ các Điều 23 và 24 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 thì cần phải đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong vòng 12 tháng trước khi tham gia kỳ thi kiểm tra đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh.

Trừ trường hợp người đề nghị đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa hoặc đã được cấp giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật này, việc đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh là thủ tục bắt buộc đối với những người có mong muốn được cấp giấy phép khám bệnh, chữa bệnh theo chức danh bác sĩ.

Nếu vượt qua kỳ thi này, GS.TS Tuấn sẽ được cấp văn bản xác nhận đã đạt kết quả kiểm tra. Khi đó, ông có thể hoàn thiện hồ sơ để xin cấp lại giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh.

Như vậy, do không thuộc trường hợp ngoại lệ theo Điều 23 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, việc ông Tuấn phải đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh trong 12 tháng tại Bệnh viện Hữu Nghị (9 tháng thực hành chuyên môn, 3 tháng hồi sức cấp cứu) trước khi được đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn là chuyên gia đầu ngành tim mạch. Năm 1994, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội ngành bác sĩ đa khoa, sau đó tiếp tục học bác sĩ nội trú chuyên ngành tim mạch.

Năm 2005, ông Nguyễn Quang Tuấn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. Năm 2009, ông được phong hàm Phó giáo sư, đến năm 2018 được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư ngành y.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn từng là Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Hội Tim mạch học can thiệp Mỹ.

Theo Đời sống
back to top