Giao thông đường thủy nội địa bị lãng quên?

(khoahocdoisong.vn) - Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 20% hàng hóa được chuyển về TPHCM bằng đường thủy, 80% còn lại sử dụng đường bộ. Đáng nói, TPHCM có hệ thống sông ngòi dày đặc với gần 1.000km đường sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, thế mạnh này của TPHCM dường như chưa được quan tâm, đầu tư xứng tầm.

“Dồn sức” cho đường bộ

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) TPHCM đã có kiến nghị gửi UBND TPHCM xem xét, bố trí nguồn vốn để đầu tư mới, hoàn thiện các dự án giao thông cấp bách, kết nối cảng biển ở thành phố. Trong đó, có 6 dự án được Sở GTVT TPHCM đánh giá có tính cấp thiết nằm danh mục các dự án theo “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030”.

Dòng xe ùn tắc kéo dài từ cảng Cát Lái đến cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức.

Dòng xe ùn tắc kéo dài từ cảng Cát Lái đến cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức.

Thứ nhất là dự án đoạn 1 (thuộc vành đai 2) đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội bao gồm nút giao Bình Thái (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng. Dự án này đã được trình đề xuất chủ trương đầu tư, có quy mô xây dựng 2 đường song hành hai bên cho 6 làn xe. Khi hoàn thành, dự án dần dần khép kín đường vành đai 2, góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng phía Đông, Đông Bắc như cảng Phú Hữu, Cát Lái... Đồng thời, giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải như: Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ…;

Thứ hai là dự án đoạn 2 (thuộc vành đai 2) đoạn từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) với tổng mức đầu tư 5.569 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Dự án đã được trình chủ trương đầu tư; thứ ba, đề xuất mới dự án xây dựng hoàn thiện tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) mở rộng đường lên 67m theo quy hoạch được duyệt. Dự án dài 2,9km này có tổng mức đầu tư 1.219 tỷ đồng; thứ tư, đề xuất mới dự án mở rộng, hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - vành đai 2 (TP Thủ Đức) dài 2,2km với tổng mức đầu tư 1.018 tỷ đồng; thứ năm là đầu tư hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) với tổng mức đầu tư 7.013 tỷ đồng. Dự án dài 6,7km này có quy mô nâng cấp thêm 2 làn xe nhằm phù hợp theo quy hoạch đường rộng 60m cho 6 làn xe và cuối cùng, sớm hoàn thành dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy với tổng mức đầu tư 3.622 tỷ đồng. Sở GTVT cho biết hiện dự án đã hoàn thành các công trình thuộc giai đoạn 1, đang triển khai các công trình thuộc giai đoạn hoàn thiện theo quy hoạch. Tuy nhiên, dự án chưa thể tiếp tục triển khai vì vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Tổng cộng, 6 dự án nêu trên cần số vốn 27.488 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT TPHCM, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố vào cuối năm 2020. Việc thu phí có mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển. Thời gian dự kiến bắt đầu thu phí kể từ ngày 1/7.  Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM xem xét cân đối nguồn vốn, tập trung nguồn lực để đầu tư, hoàn thành các tuyến đường nêu trên nhằm góp phần giảm ùn tắc, thông đường vào cảng. Trường hợp khó cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Sở GTVT đề xuất TPHCM rà soát, ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được quyết định đầu tư, chưa mang tính cấp bách để xem xét ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các dự án nêu trên.

Cần phát triển vận tải đường thủy

Hiện nay, thời gian quay vòng xe tải là 2 chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày, nhưng do hạ tầng khu vực cảng biển của TPHCM chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng, vận tốc khai thác thấp và do tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh cảng nên con số quay vòng khá thấp so với chi phí đầu tư xe tải và xe container của doanh nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng này đều được vận chuyển bằng đường bộ (chiếm khoảng 88%), trung bình có khoảng 19.000 - 20.000 ô tô ra vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Xe xếp hàng dài trên đường Đồng Văn Cống ở hướng vào cảng Cát Lái.

Xe xếp hàng dài trên đường Đồng Văn Cống ở hướng vào cảng Cát Lái.

KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, đánh giá Hiệp Phước và Cát Lái hiện là 2 cảng chính, lớn nhất TP nhưng đều đang gặp rất nhiều bất cập về giao thông. Cụ thể, Cát Lái là cảng container lớn nhất Việt Nam nhưng hiện luồng hàng chủ yếu vẫn chỉ di chuyển qua tỉnh lộ 25, mặc dù đã mở rộng và kết nối vào 2 trục vành đai là Mai Chí Thọ và đường Phú Mỹ nhưng vẫn chưa kéo được gần vào các nguồn hàng lớn, trung tâm sản xuất như Bình Dương, Đồng Nai… Cùng với Phú Hữu và Trường Thọ, container từ Cát Lái đổ về xa lộ Hà Nội. Trong tương lai, đây là trục phát triển đô thị sáng tạo phía Đông, không thể chấp nhận việc xe tải, container xếp hàng dài trên đường như hiện hay. Vì thế, cần đẩy nhanh khép kín trục Vành đai 2 và làm thêm nhiều tuyến tránh để giải tỏa giao thông đô thị. Với Hiệp Phước, trước đây TPHCM chuyển cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước đã giúp giải phóng được lượng lớn ô tô vận tải chạy trong nội đô. Tuy nhiên, cảng Hiệp Phước thời gian qua phát triển rất chậm. 

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TPHCM cho biết, kinh nghiệm các nước cho thấy để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí thì cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy. Do đó, ngoài việc cấp bách khép kín hệ thống đường vành đai, nên bố trí các đường sắt chuyên dụng xuống cảng Cái Mép, cảng Cát Lái. Kết hợp thêm các cảng cạn để sử dụng đường sông một cách triệt để. TPHCM nên rà soát lại quy hoạch, tuyến nào cần mở rộng, kéo dài thì nên thực hiện sớm. Những tuyến đường bộ thêm vào cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng, làm sao phải hài hòa giữa các loại hình vận tải. Đặc biệt chú trọng ưu tiên đường sắt và đường thủy trong hệ thống vận tải liên vùng.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện nay hệ thống đường bộ về cơ bản đã vươn đến các cảng, gồm cảng hàng không, cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1... Tuy nhiên, việc khai thác còn hạn chế do đường bộ chưa thể đáp ứng hết, nhất là các cảng biển nằm gần khu vực đô thị dễ gây ùn tắc cục bộ như khu vực cảng Cát Lái. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ Xây dựng với mục tiêu khắc phục các bất cập trong kết nối này. Theo đó, tất cả hệ thống đường bộ cao tốc sẽ kết nối với các cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1 một cách thông suốt. Trong đó, ở khu vực phía nam, cảng Cát Lái sẽ kết nối đường thủy với cảng Cái Mép - Thị Vải, miền Tây sẽ đi theo kênh Chợ Gạo, giảm tải hàng hóa cho khu vực Cát Lái và TPHCM.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top