Kết thúc cuộc giao lưu trực tuyến
Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống Nguyễn Minh Quang tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình. |
Bạn đọc hỏi ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN
Tôi ở Lai Châu. Tôi cần phải làm gì để tiếp cận được với thông tin khoa học công nghệ?
Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Sở KH&CN tỉnh Lai Châu để được hỗ trợ.
Tôi ở trung du miền núi, gia đình tôi nên đầu tư vào lĩnh vực gì, cây con gì để có thể đảm bảo thành công?
Để lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực gì, cây con gì cho gia đình bạn, vấn đề đặt ra là bạn phải xác định được điều kiện cụ thể của gia đình về đất đai, nguồn vốn, khả năng đầu tư sản xuất…
Ví dụ như nếu bạn có đất trồng rừng thì nên đầu tư trồng rừng, kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Nếu bạn có điều kiện về ao nuôi thủy sản thì có thể áp dụng các mô hình nuôi cá, baba… kết hợp với nuôi gia cầm, thuỷ cầm.
Nếu bạn cần hỗ trợ thông tin, kinh nghiệm, trước khi bạn quyết định đầu tư, bạn có thể liên hệ với các cơ quan nông nghiệp, khoa học công nghệ địa phương.
Các thông tin về khoa học công nghệ tìm hiểu trên mạng xã hội có nên áp dụng vào thực tế không, có cách nào để kiểm chứng các thông tin đó là chính thống và tin tưởng được?
Các thông tin về KH&CN trên mạng xã hội hiện nay có rất nhiều, tuy nhiên bạn cũng nên tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi áp dụng. Cụ thể là, phải xác định được nguồn gốc của thông tin, có phải từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa lên không? Bạn không nên áp dụng những thông tin trên các trang mạng xã hội không có bản quyền, không được kiểm duyệt, không có địa chỉ rõ ràng…
Bạn có thể kiểm chứng thông tin đó là chính thống hay không thông qua chính địa chỉ cung cấp thông tin đó để xác thực.
Ngoài ra bạn có thể kiểm chứng bằng hỏi ý kiến của chuyên gia, những người có trách nhiệm, có chuyên môn trước khi quyết định có nên áp dụng hay không.
Các quy trình công nghệ khi đưa vào áp dụng phải đáp ứng các tiêu chí gì?
Vấn đề này đã được quy định tại Thông tư về quản lý Chương trình (Thông tư số 07/2016/TT- Bộ KH&CN).
Theo đó thì, có một số quy định cơ bản như quy trình công nghệ phải có xuất xứ là kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp Bộ trở lên; Hoặc được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; Giống mới; Công nghệ phải dễ áp dụng, đem lại hiệu quả chắc chắn khi chuyển giao ứng dụng vào sản xuất…
Xin ông cho biết mục tiêu của chương trình Nông thôn miền núi tới đây là gì?
Mục tiêu của Chương trình đã được xác định rõ trong Quyết định của Thủ tướng chính phủ, trước hết chúng tôi tập trung triển khai thực hiện làm sao đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2020 như:
- Xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến Bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân;
- Chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số;
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và khoảng 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, khoảng 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến Bộ KH&CN đã được chuyển giao.
Ông Nguyễn Trường Long – GĐ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN - Sở KH&CN Hưng Yên.
Người nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất ít, làm thế nào để họ có thể tiếp cận và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông?
Để việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trước hết phải xem hạn chế từ đâu.
Do cơ chế chính sách để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa được đồng bộ. Chưa thoả mãn được nhu cầu tiếp thu về công nghệ của nông dân một cách dễ dàng và hiệu quả.
Do thị trường đòi hỏi nên người dân phải chạy theo thị trường. Do đó họ chưa yên tâm vào sản xuất các sản phẩm chính của mình, nhất là đối với mô hình trồng cây lâu năm, họ có thể phá bỏ cây trồng cũ bằng việc trồng cây mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Do trình độ của người dân tham gia trực tiếp vào sản xuất ở một số vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã khó khăn thì ứng dụng công nghệ cao càng khó khăn hơn.
Người dân còn chưa chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi, vẫn còn tư tưởng ỉ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chưa có những doanh nghiệp mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bởi nhiều rủi ro. Doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao và sản xuất hiện nay còn ít, bởi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nguồn nguyên liệu không đủ lớn để quay vòng sản xuất kinh doanh.
Để người dân tiếp cận tốt về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao, tuyên truyền các ứng dụng tiến bộ kĩ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Cần phải có quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chính tạo cơ hội cho người dân có thể ứng dụng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và kinh doanh.
Xây dựng các chuỗi sản xuất, trong đó tạo điều kiện để cho người dân chủ động tiếp cận vào ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bằng các hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tập huấn, tuyên truyền.
Tạo hành lang về cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp bằng việc ứng dụng kĩ thuật một cách thuận lợi.
Tăng cường xây dựng các nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù làm tăng hiệu qủa kinh tế của các sản phẩm đó.
Doanh nghiệp giúp nông dân ứng dụng công nghệ ra sao, có hiệu quả không? Theo ông số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chưa?
Doanh nghiệp luôn là nòng cốt trong việc ứng dụng và chuyển giao khoa học cho nông dân, do đó trong thời gian vừa qua đã giúp nông dân ứng dụng nhiều vào sản xuất một cách hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp ở Hưng Yên chưa nhiều, và cũng chỉ thực hiện ở những khâu sản xuất nhất định trong chuỗi.
Việc doanh nghiệp hiện nay tham gia vào chuỗi thường phải thực hiện ở hầu hết tất cả các khâu từ quy hoạch vùng, sản xuất, chế biến đến khâu kinh doanh, cho nên hiệu quả chưa thực sự cao, cần thiết phải huy động được nhiều doanh nghiệp để mỗi doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt ở khâu của mình.
Theo ông khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp khi thực hiện kết nối với nông dân để ứng dụng KH&CN là gì? Còn người nông dân, khi tham gia, họ được gì?
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện kết nối với nông dân đó là hầu hết các khâu sản xuất họ đều phải tham gia từ quy hoạch đến sản xuất, kinh doanh. Bởi quy hoạch của mỗi địa phương chưa thật rõ ràng đối với những sản phẩm chủ lực của mình.
Sản xuất của người dân nông thôn hiện nay còn manh mún, chưa hình thành được những cánh đồng mẫu lớn, những trang trại lớn để doanh nghiệp có thể đầu tư áp dụng đồng bộ khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất.
Việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa cao: Nguồn vốn, thuế, diện tích canh tác, nguồn lao động trình độ cao…
Các doanh nghiệp thường vẫn chủ động kết nối với người dân mà chưa có nhiều sự tác động hiệu quả của các cơ quan nhà nước, nên sự kết nối của “4 nhà” chưa thật hiệu quả dẫn đến nhiều việc không mong muốn như người dân tự phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp hoặc không tuân thủ theo hợp đồng.
Đối với người nông dân khi được kết nối với doanh nghiệp đã giúp họ thay đổi nhiều về tư duy sản xuất, cụ thể là tư duy sản xuất hàng hoá theo cung cầu của thị trường. Ngoài ra họ được tiếp cận nhiều với khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất và đời sống.
Những sản phẩm của người dân sản xuất ra được nhiều người tiêu dùng biết đến và yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng.
Nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; nâng cao nhận thức về thị trường; nâng cao về thu nhập, tạo công ăn việc làm.
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Công ty Dược liệu Vũ Gia
Hiện nay người dân đang chuộng sử dụng củ đinh lăng. Quan điểm của anh về công dụng, tác dụng…
Cây Đinh lăng được coi là nhân sâm của người nghèo vì trong rễ cây đinh lăng có chứa nhiều Saponin. Người dân có thể sử dụng một cách đơn giản và hiệu quả là rễ cây đinh lăng thái nhỏ sao vàng, hạ thổ sắc nước uống hàng ngày. Tác dụng bồi bổ sức khỏe và hoạt huyết giúp cho cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Công ty Dược liệu Vũ Gia
Ông có thể cho biết,bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được đặt ra thế nào khi tham gia cùng nông dân ứng dụng KH&CN?
Trả lời: Bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp đặt ra khi tham gia cùng nông dân ứng dụng KH&CN: Doanh nghiệp cần nhất là sự ổn định của nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện thị trường để sản xuất một cách bền vững.
Người nông dân chỉ cần làm theo hướng dẫn theo đúng quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp để đảm bảo nông sản được sản xuất ra tuân thủ các quy định về an toàn sinh học, đảm bảo năng suất và chất lượng của nông sản.
Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN.
Người nông dân có nhu cầu về KHCN, muốn kết nối với doanh nghiệp, họ phải tìm đến đâu? Hiện có chính sách nào trợ giúp nông dân trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, thưa ông?
Hiện nay, có nhiều kênh kết nối nhu cầu ứng dụng tiến bộ KH&CN giữa nông dân và doanh nghiệp, họ có thể trực tiếp tìm đến nhau để trao đổi, thương thảo và hợp tác. Đồng thời, Bộ KH&CN có những kênh thông tin như các điểm kết nối cung cầu công nghệ do mạng lưới các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN đang thực hiện.
Do đó, người dân có nhu cầu tìm hiểu về công nghệ, muốn kết nối doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất thì có thể tìm đến các Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN các địa phương để được hỗ trợ.
Hiện nay đã có 7 điểm kết nối ở các vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, TP HCM, Cần Thơ, Phú Yên…. Người dân có thể truy cập vào trang web của các điểm kết nối này sẽ được hỗ trợ về thông tin. Đây là kênh thông tin tốt cho nông dân và doanh nghiệp hợp tác với nhau.
Hiện nay, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất thì có nhiều như chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ vay vốn… Đối với Bộ KH&CN hiện có Chương trình Nông thôn miền núi đang triển khai hỗ trợ thực hiện các dự án ứng dụng chuyển giao và xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Công ty Dược liệu Vũ Gia
Theo ông làm thế nào để tạo ra sự liên kết bền vững, lâu dài giữa doanh nghiệp và nông dân trong ứng dụng KH&CN?
Về phía Trung ương: Cần ban hành và cập nhật, điều chỉnh những chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những chính sách đã được nhà nước ban hành thì cần đôn đốc để những chính sách đó đi vào thực tế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án. Đặc biệt cần ưu đãi trong việc sản xuất và nhập khẩu các máy móc thiết bị sơ chế biến nông sản. Hiện nay các máy móc thiết bị chế biến nông sản vẫn bị áp giá thuế VAT 10% khi nhập khẩu, khiến tổng mức đầu tư cho các nhà máy chế biến tăng cao.
Về phía chính quyền địa phương cấp tỉnh: cần tạo điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến chân các dự án sản xuất, sơ chế biến tại vùng nông thôn và miền núi. Đồng thời có các chính sách ưu đãi về thuế, về tích tụ ruộng đất. Có các chính sách vận động, tuyên truyền để người dân tuân thủ những cam kết đã ký với doanh nghiệp, nhằm đảm bảo duy trì ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp sản xuất.
Về phía doanh nghiệp: Cần xác định mục tiêu đầu tư rõ ràng, đầu tư bài bản về nhân lực, đầu tư cơ sở sơ chế biến hiện đại, tại địa phương nơi thực hiện dự án để người dân thực sự yên tâm vào sự gắn bó và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần có quy trình công nghệ và đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao để hưỡng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân một cách bài bản, giải quyết được khó khăn trong việc phòng ngừa dịch bệnh.
Nếu doanh nghiệp phát triển bền vũng thì nông dân sẽ luôn gắn bó với doanh nghiệp. Như vậy sẽ tạo ra sự lien kết bền vững, lâu dài giữa doanh nghiệp và nông dân trong ứng dụng KH&CN
Ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Công ty Dược liệu Vũ Gia
Làm thế nào để người nông dân có thể ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất?
- Người nông dân phải có mong muốn ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao hiệu quả trong sản xuất của mình.
- Người nông phải tham gia vào một chuỗi giá trị sản xuất khép kín để được nhận sự hỗ trợ của Doanh nghiệp trong việc hướng dẫn kỹ thuật để người nông dân có thể ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất.
Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN
Theo ông, người nông dân thường gặp khó khăn gì khi tiếp cận với KH&CN?
Người sản xuất nói chung, nông dân nói riêng có những khó khăn nhất định khi tiếp cận với tiến bộ KH&CN như họ chưa cập nhật quy trình công nghệ mới, giống nào mới, tốt có giá trị kinh tế cao hơn; hoặc không biết mua ở đâu? Hợp tác với ai? Ai bảo đảm chất lượng và thậm chí bao tiêu sản phẩm cho họ…
Khi triển khai các mô hình thì người dân thường rất khó thay đổi thói quen sản xuất cũ với việc tiếp nhận quy trình công nghệ mới. Hai là khi tham gia các mô hình này phải có kinh phí đối ứng cũng là một khó khăn. Tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh do sự thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Cơ chế hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp nhiều khi còn chưa đảm bảo được quyền lợi hài hoà.
Xuất phát từ những khó khăn như vậy, Chương trình nông thôn miền núi có những chính sách hỗ trợ tốt nhất cho người dân như xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ mới để người dân học tập, thông qua doanh nghiệp để tạo ra cơ chế hợp tác chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ thông tin về thị trường... giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dự án thuộc Chương trình.
Khi có nhu cầu về công nghệ, người dân phải tìm đến đâu. Thông thường họ có được đáp ứng không?
Thông thường khi có nhu cầu về công nghệ họ thường tìm hiểu các mô hình sản xuất ở xung quanh (vùng, xã, huyện...), tìm đến các cửa hàng bán vật tư nông lâm nghiệp, một số thì họ tìm đến viện, trường, các cơ quan nghiên cứu chuyển giao… Tuy nhiên cũng chỉ là những hộ sản xuất quy mô lớn, trang trại….
Hiện nay, có một kênh cung cấp thông tin cho người dân thông qua chính quyền và các cơ quan như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN… Đặc biệt là qua các mô hình chuyển giao tiến bộ như các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đang triển khai.
Bạn đọc hỏi: Tôi ở vùng Cao Bằng. Trên tôi có quả mắc cọp và quả lê là những đặc sản của địa phương và rất hút khách mua. Tuy nhiên sản lượng chưa nhiều không đáp ứng được nhu cầu của bà con. Tôi biết rất nhiều người phải mua hàng nhập từ Trung Quốc về không biết nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo về chất lượng. Xin hỏi có cách nào để bà con có thể tập trung được một vùng sản xuất lê và mắc cọp hoặc có loại giống nào tốt để cho bà con chúng tôi trồng nâng cao sản xuất từ đó cải thiện được đời sống?
Trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN có nhận được một đề xuất dự án về phát triển sản phẩm lê ở Cao Bằng. Hiện nay các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN, cùng với địa phương, doanh nghiệp, xây dựng và triển khai thực hiện dự án này. Chúng tôi hy vọng, kết quả của dự án sẽ giúp cho người dân Cao Bằng lựa chọn được loại giống, quy trình canh tác, sản xuất lê đáp ứng nhu cầu của thị trường và cải thiện được đời sống cho bà con.
Ông Nguyễn Trường Long – GĐ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN - Sở KH&CN Hưng Yên.
Xin ông cho biết, hiện có các kết quả nghiên cứu nào đã được chuyển giao thành công cho nông dân ở địa phương? Hiệu quả của chúng như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo rất tốt các ngành vào cuộc, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ trong việc tăng cường ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ cho nhân dân thể hiện ở việc ban hành Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ ứng dụng triển khai, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Hạn chế tối đa việc thí nghiệm, thực nghiệm “trên lưng bà con nông dân”; thể hiện ở việc đầu tư kinh phí cho khoa học và công nghệ năm sau cao hơn năm trước mặc dù chưa được nhiều (bình quân chỉ đạt mức 0,65 - 0,67% so với 2% tổng chi ngân sách mà Nghị quyết TW2 Khóa VIII đã quy định) nên các kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng ngay vào thực tiễn.
Đến nay, nhiều công nghệ mới được ứng dụng làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị sản xuất. Nhiều tiến bộ KHCN trong sản xuất rau, hoa quả được thực hiện như trồng hoa công nghệ cao, trồng rau theo quy trình VietGap... Nhiều sản phẩm nông sản đã, đang và sẽ được xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý như nhãn lồng Hưng Yên, tương bần, vải lai chín sớm Phù Cừ, gà Đông Tảo...
Việc ứng dụng và chuyển giao KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tập trung vào giải quyết các vấn đề về giống cây trồng, vật nuôi; đưa các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế vào sản xuất góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, cụ thể:
Trong sản xuất nông nghiệp, họat động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KHCN góp phần duy trì và đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 4%; năng suất lúa bình quân toàn tỉnh tăng từ 9,8tấn/ha/năm (2006) lên trên 13,5 tấn/ha/năm (2013-2014) góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; giá trị sản xuất từ 28 triệu đồng/ha lên trên 60triệu đồng/ha. Giai đoạn 2006 - 2014 đã chủ động sản xuất và cung cung ứng 100% nhu cầu hạt giống lúa siêu nguyên chủng, trên 70% nhu cầu hạt giống lúa chất lượng tại địa phương (cao gấp hơn 9 lần so với năm 2000).
Đặc biệt dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống lúa tỉnh Hưng Yên” đã chọn lọc được giống lúa "Nếp thơm Hưng Yên", hiện đang hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận “Giống lúa quốc gia”.
Ngoài ra, nhiệm vụ KHCN của tỉnh còn tập trung vào việc xây dựng mô hình thâm canh các giống cam, quýt đường canh, cam Vinh, bưởi Diễn, ổi lai tại các xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Hoàng Hanh (Tiên Lữ). Nghiên cứu, lựa chọn các giống rau màu, đậu đỗ, giống chuối tiêu hồng... phù hợp với từng vùng đất bãi, từng mùa vụ trong năm nhằm chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, thâm canh, khai thác có hiệu quả vùng đất bãi sông Hồng, sông Luộc.
Đồng thời, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho nhân dân các xã Quảng Châu, Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), Hoàng Hanh (Tiên Lữ), Ngọc Thanh (Kim Động), Tống Trân, Nguyên Hoà (Phù Cừ)... Đặc biệt để bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản của Hưng Yên, đưa cây nhãn trở thành một cây có tỷ trọng cao trong kinh tế hộ gia đình.
Sở KHCN đã xây dựng được khu vườn bảo tồn các giống nhãn đầu dòng, tổ chức bình tuyển được 39 cây nhãn lồng đầu dòng, trong đó có 11 cây nhãn đầu dòng thuộc 3 trà nhãn là nhãn chín sớm, nhãn chín muộn và nhãn chín chính vụ được Bộ NN&PTNT công nhận là giống đầu dòng quốc gia được phép nhân giống.
Nếu như trước những năm 90, sản lượng nhãn trên địa bàn tỉnh không ổn định, thường xảy ra tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành” (một năm có quả, một năm không có quả) thì từ năm 2006 trở lại đây, các nhà vườn ở Hưng Yên đã biết ứng dụng tiến bộ kĩ thuật thâm canh, khắc phục cơ bản hiện tựợng được mùa cách năm của nhãn. Sản lượng nhãn những năm gần đây đều cao hơn so với trước.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống gia súc, gia cầm, thủy cầm năng suất, chất lượng được đưa vào nuôi thả với quy mô công nghiệp, hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ngan Pháp, gà hướng trứng HA1, gà tây Huba, bò lai shin, lợn hướng nạc, cá rô đầu vuông... Trong đó, shin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn là một trong những chương trình tiêu biểu, tạo điều kiện nâng cao chất lượng vật nuôi.
Nhờ vậy, đến hết năm 2008, toàn tỉnh đã có tỷ lệ bò lai shin chiếm 90%, đàn lợn hướng nạc chiếm gần 60% tổng đàn. Lĩnh vực thủy sản cũng có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây, giống cá mới như rô phi đơn tính đều phải mua từ nơi khác nhưng đến nay nguồn giống sản xuất tại tỉnh không những đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thả trong tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận.
Mô hình nuôi cá thâm canh phát triển mạnh bằng các giống cá như: Chim trắng, rô phi đơn tính, chép lai 3 máu, cá rô đồng, chép lai V1… Một số giống thuỷ sản quý có giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi thử nghiệm như cá điêu hồng, cá rô đầu vuông, chép lai V1, trắm đen, cá lồng,…
Đặc biệt thời gian qua đã xây dựng được nhiều các nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù như nhãn lồng Hưng Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ, quất cảnh Văn Giang, Trạm bạc Huệ Lai, chuối tiêu hồng Khoái Châu, gà Đông Tảo,… đã khẳng định được giá trị của các sản phẩm đặc thù, bên cạnh đó giúp người sản xuất trách nhiệm hơn với sản xuất, người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm mình sử dụng. Do đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.
Ông Nguyễn Trường Long – GĐ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN - Sở KH&CN Hưng Yên.
Thưa ông, thực trạng nhu cầu công nghệ của nông dân ở địa phương thế nào? Việc ứng dụng KH&CN vào đồng ruộng gặp những khó khăn gì?
Nhu cầu công nghệ của nông dân?
Hiện nay, không chỉ ở Hưng Yên, mà hầu hết các địa phương trong cả nước nhất là khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số đang có nhu cầu lớn về khoa học và công nghệ. Hiện nay, người dân Hưng Yên không còn sản xuất tự phát mà đã thích ứng với nhu cầu của thị trường, đó là sản xuất hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, cho nên nhu cầu về khoa học và công nghệ đối với khu vực nông thôn hiện nay đang rất nóng bỏng.
Bản thân người dân khao khát được tiếp nhận những khoa học mới vào sản xuất và đời sống, đơn cử như trước đây việc đưa tiến bộ khoa học về địa phương còn gặp nhiều khó khăn, thì hiện nay các cơ quan nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu chuyển giao của tỉnh Hưng Yên luôn tiếp nhận các đề nghị của người dân, của lãnh đạo các xã vùng nông thôn về tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhân dân.
Thậm chí, nhiều địa phương đã đề nghị các cơ quan khoa học, các viện, trường, mà cụ thể là ngành khoa học và công nghệ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học & công nghệ cho một sản phẩm đặc thù của địa phương đó.
Một khía cạnh khác, lao động chính phục vụ cho sản xuất hiện nay ở Hưng Yên còn rất ít, nhất là lao động hoạt động sản xuất nông nghiệp bởi những lao động chính này hiện nay vẫn coi sản xuất nông nghiệp là thứ yếu, việc tăng thu nhập trong gia đình của nhiều nhà dân là đi xuất khẩu lao động, đi làm công nhân cho các doanh nghiệp…
Do đó, lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp tại địa phương chủ yếu là người cao tuổi và học sinh, chỉ còn một số lao động không thể đi làm xa mới ở lại làm nông nghiệp thì việc ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế phù hợp với nhu cầu thị trương là rất cần thiết.
Trong mấy năm gần đây việc dồn điền đổi thửa đã giúp người dân chuyển từ nhiều mảnh ruộng nhỏ về còn 1 - 3 mảnh ruộng lớn, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cho nhau tạo nên những trang trại nhỏ và vừa, là cơ hội cho phát triển kinh tế tư nhân và tập thể, nên việc ứng dụng khoa học & công nghệ vào sản xuất là không thể thiếu.
Việc ứng dụng KH&CN vào đồng ruộng gặp những khó khăn gì?
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Hưng Yên hiện nay còn gặp nhiều khó khăn ở nhiều khâu:
Thứ nhất: Hưng Yên mặc dù những năm gần đây đã thực hiện dồn điền, đổi thửa. Tuy nhiên, vẫn còn quá manh mún cho phát triển kinh tế theo vùng sản xuất nguyên liệu lớn.
Thứ hai: Nguồn lao động tham gia sản xuất nông nghiệp không phải là lực lượng lao động chính trong nhiều gia đình, chủ yếu là người già và học sinh nên việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế.
Thứ ba: Công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nhân dân dù hiệu quả, nhưng chưa đồng bộ để người dân tiếp thu và mạnh dạn bứt phá, đổi mới phương thức sản xuất để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao.
Thứ tư: Hưng Yên là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, việc quy hoạch thành vùng sản xuất các loại cây trồng trọng điểm, đặc thù của tỉnh, của địa phương trước đây còn hạn chế dẫn đến việc ứng dụng khoa học vào sản xuất hiệu quả chưa cao, vẫn mạnh ai người đó làm theo nhu cầu của thị trường mà chưa có đầu tư sản xuất lâu dài một sản phẩm nhất định.
Thứ năm: Hưng Yên chưa thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp; trong khi khoa học công nghệ chưa được ứng dụng một cách đồng bộ. Do đó, việc tập hợp của “4 nhà” một cách đồng bộ vào sản xuất còn hạn chế; chưa xã hội hóa được nhiều nguồn lực cho phát triển nông nghiệp của địa phương, chưa hình thành được các vùng sản xuất lớn mang tính xuất khẩu.
Ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN.
Việc ứng dụng KH&N vào khu vực nông thôn miền núi có những bất cập, hạn chế nào, thưa ông?
Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thực tiễn vừa qua cho thấy bên cạnh những thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, bất cập như: Quy định về cơ chế tài chính thực hiện chương trình: Theo quy định những tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án thuộc Chương trình phải có nguồn kinh phí đối ứng, trong khi ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ chiếm một phần, thường là dưới 50% tổng kinh phí thực hiện dự án.
Đối với loại dự án ủy quyền địa phương đòi hỏi phải có nguồn ngân sách địa phương đối ứng là 50%. Do vậy nhiều dự án sau khi được Trung ương hỗ trợ ngân sách nhưng địa phương không bố trí được nên khó khăn trong thực hiện, thậm chí dừng dự án.
Trình độ, năng lực, kinh phí đối ứng để tiếp nhận, nhân rộng kết quả dự án của nhiều người dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Kết quả mô hình tốt, hiệu quả nhưng khi nhân rộng rất khó. Ví dụ như mô hình nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi ở vùng miền núi cho hiệu quả rất cao, nhưng khi nhân rộng đòi hỏi người dân phải có tiềm lực kinh tế cũng như năng lực tiếp nhận công nghệ cao. Những điều này người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi còn hạn chế, làm cho khả năng nhân rộng mô hình gặp khó khăn.
Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, trong khi thời gian thực hiện một dự án từ khi đề xuất đến khi thực hiện thường kéo dài, do vậy có một số dự án, công nghệ không dáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Rủi ro trong quá trình thực hiện dự án như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường… Trở lại như mô hình nuôi cá nước lạnh ở các hồ đập thuỷ lợi, thủy điện khi gặp lũ lụt, sạt lở đất gần như là mất trắng.
Xin cho chúng tôi biết việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất ở nông thôn và khu vực miền núi là sử dụng những công nghệ như thế nào?
Có rất nhiều công nghệ thuộc các lĩnh vực khác nhau, phụ thuộc vào từng sản phẩm, từng đối tượng, từng địa phương cụ thể. Do vậy, bà con nên ứng dụng những quy trình công nghệ do các cơ quan có chức năng nghiên cứu, chuyển giao, thực hiện… tránh trường hợp những quy trình công nghệ không có xuất xứ rõ ràng, khi áp dụng chưa có hiệu quả chắc chắn, khi đó, hiệu quả sẽ không cao.
Độc giả hỏi ông Vũ Văn Tâm
Thưa ông, một độc giả có hỏi "Tôi trồng hoa có nghe nói đến phương pháp tưới nước nhỏ giọt. Tôi muốn tìm hiểu phương pháp này? Nhờ chương trình tư vấn hỗ trợ cho tôi biết cơ quan, tổ chức nào cung cấp công nghệ này?
Bạn có thể liên hệ với Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh và là nhà phân phối độc quyền thiết bị tưới tại Việt Nam là NETAFIM - ISRAREL. Số hotline: 02838445850. Đại diện Công ty sẽ tư vấn cách thức triển khai đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và cung cấp vật tư thiết bị. Công nghệ: Dễ áp dụng, tiết kiệm nước,và giá thành không cao. Phương pháp này phù hợp với nhiều loại cây. Trồng ngoài cánh đồng và trồng trên chậu.
Câu hỏi dành cho Ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương - Bộ KH&CN
Ông Chu Thúc Đạt (áo trắng, ngoài cùng bên phải) |
Thưa ông, những năm qua, việc ứng dụng thành quả KH&CN vào khu vực nông thôn miền núi đạt kết quả thế nào? Việc ứng dụng này đóng góp gì vào việc thay đổi, nâng cao đời sống cho bà con?
Thành tựu chuyển giao vào khu vực nông thôn miền núi đã đạt nhiều thành tựu. Ví dụ như trong mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo công nghệ mới từ Israel là công nghệ Bioflock. Công nghệ này nâng năng suất nuôi cá rô phi, cá diêu hồng lên gấp 3 lần so với quy trình cũ. Lượng nước để nuôi giảm đi chỉ bằng 1/3. Kinh phí xử lý môi trường chỉ bằng 1/3, hiệu quả kinh tế tăng lên 3-4 lần so với quy trình cũ.
Mô hình này đã triển khai ở Thái Nguyên, người dân có thể đến Công ty Thuỷ sản Đông Bắc, ĐH Nông lâm Thái Nguyên để học tập mô hình này.
Kết quả nữa là mô hình sản xuất chè chất lượng cao như chè xanh chất lượng cao, chè ô long, bột chè, các sản phẩm được chế biến từ chè như kem chè, sữa chè… của Công ty Chè Tam Đường (Lai Châu). Đây là mô hình hỗ trợ chuyên giao công nghệ mới từ giống, quy trình kỹ thuật canh tác, chế biến, xây dựng thương hiệu, tạo ra các dòng sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Trước đây cả tỉnh Lai Châu ngành chè bị suy giảm nghiêm trọng, người dân bỏ trồng chè vì hiệu quả thấp, giống cũ, năng suất thấp. Khi được chuyển giao công nghệ, diện tích chè tăng lên hang nghìn ha chè giống mới tạo ra nhiều sản phẩm, tạo cho người dân một nghề sản xuất chè đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/tháng, đây là sản phẩm chủ lực của địa phương để phát triển.
Các mô hình chuyển giao tạo ra công ăn việc làm, mỗi dự án mô hình tạo ra 5-10 việc làm, chưa kể giá trị sản phẩm tăng lên, tạo ra ngành nghề mới cho địa phương.
Với mục tiêu chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật mới, đồng thời xây dựng được các mô hình ứng dụng chuyển giao có hiệu quả, quy mô phù hợp với vùng sinh thái từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được các mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Trong những năm vừa qua, Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương tình Nông thôn miền núi (Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13/10/2015), Bộ KH&CN đã tập trung triển khai thực hiện bám sát mục tiêu nội dung và yêu cầu sản phẩm của Chương trình, đến nay đã có hơn 500 quy trình công nghệ mới, tiến bộ KH&CN được ứng dụng chuyển giao, đã xây dựng được hơn 400 mô hình ứng dụng và đạo tạo được gần 1000 lượt người dân. Các tiến bộ KH&CN này bước đầu có những đóng góp cho việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống cho người dân vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi cho ông Vũ Văn Tâm
Theo ông, hiện có các chính sách nào trợ giúp doanh nghiệp trong việc giúp nông dân tiếp cận với các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa? Lấy doanh nghiệp là trung tâm trong chuỗi liên kết này có khắc phục được tình trạng được mùa mất giá?
- Khi lấy doanh nghiệp là trung tâm trong chuỗi liên kết này sẽ khắc phục được tình trạng được mùa mất giá với điều kiện vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản, và chính quyền địa phương các cấp phải có vai trò vận động, tuyên truyền để quản lý được quy hoạch vùng nguyên liệu, tránh tình trạng người dân không nằm trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nuôi trồng ồ ạt không theo quy hoạch dẫn tới khủng hoảng thừa, đồng thời thúc đẩy vào việc làm nông sản mất giá.
Ông Vũ Văn Tâm |
Câu hỏi dành cho ông Vũ Văn Tâm – Chủ tịch Công ty Dược liệu Vũ Gia
Theo ông, doanh nghiệp giúp nông dân cùng phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa họ sẽ được lợi gì, nông dân được lợi gì?
- Nông dân được lợi gì: Nông dân được tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, được cung cấp giống cây và con giống chuẩn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng một cách bài bản; có đầu ra đảm bảo với giá cả ổn định; có cơ hội làm việc tại các cơ sở, nhà máy sơ chế biến tại địa phương nơi mình sinh sống với thu nhập ổn định, giúp giảm chi phí sinh hoạt đối với những người không muốn làm nông nghiệp và không muốn rời quê hương hay còn gọi là ly nông, không ly hương.
- Doanh nghiệp chúng tôi đang triển khai hỗ trợ nông dân tại dự án trồng cây dược liệu đinh lăng thâm canh và trồng xem canh dưới tán cây ăn quả, dưới tán rừng sản xuất. Hiện đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình để hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Bước đầu cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trên diện tích công ty đang quản lý đã xây dựng một số mô hình trồng thâm canh, xen canh để bà con nông dân tham quan, học hỏi.
Chương trình giao lưu bắt đầu
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến |
9h00 ngày 14/11/2018, tại trụ sở Báo Khoa học và Đời sống 465B Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, Báo Khoa học và Đời sống phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN tổ chức Giao lưu trực tuyến “Bàn giải pháp tăng cường ứng dụng KH&CN vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số”.
Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 có 3 sự khác biệt cơ bản so với giai đoạn trước là: Thứ nhất chủ trương về tăng cường tập trung, hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Vùng này sẽ được ưu tiên trong việc tăng cường các dự án. Có những ưu tiên tỷ lệ hỗ trợ của nhà nước cao hơn dành cho những dự án thuộc vùng này
Thứ 2 là thúc đẩy, tăng cường dự án có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trực tiếp sản xuất, để doanh nghiệp thành hạt nhân phát triển từ đó giúp nông dân cùng phát triển trong mối liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
Cuối cùng là quan tâm nhiều hơn đến việc ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin truyền thông thúc góp phần đẩy sự phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
Chương trình được thực hiện theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 13.10.2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chính như: Xây dựng được ít nhất 2.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn NTMN, vùng dân tộc thiểu số; chuyển giao được ít nhất 3.000 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý, 4.000 kỹ thuật viên cơ sở, 140.000 lượt nông dân…
Theo quy định của Chương trình Nông thôn Miền núi giai đoạn giai đoạn 2016-2025, những công nghệ để ứng dụng phải là công nghệ phải được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia đã được đánh giá, nghiệm thu từ mức đạt trở lên; Tổ chức chủ trì phải là chủ sở hữu công nghệ hoặc có quyền chuyển giao hợp pháp công nghệ hoặc là tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước tạo ra công nghệ được ứng dụng chuyển giao…
Để chuyển giao KH&CN vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số, vai trò của những người làm quản lý, doanh nghiệp KH&CN rất quan trọng. Tăng cường ứng dụng KH&CN khu vực nông thôn, miền núi, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ tổng hợp.
Khách mời tham gia giao lưu gồm có ông Chu Thúc Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN; ông Nguyễn Trường Long, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Sở KH&CN Hưng Yên; ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia, Nho Quan, Ninh Bình. Tại đây, các khách mời sẽ trả lời câu hỏi của bạn đọc xung quanh chủ đề làm thế nào để ứng dụng KH&CN vào khu vực nông thôn và miền núi dân tộc thiểu số có hiệu quả.