Chất thải rắn (CTR) tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý.
“Ma trận” CTR
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, con số 33.167 tấn CTR thu gom mỗi năm đang tăng lên cấp số nhân và trở thành vấn nạn ô nhiễm trong năm 2018 khi hàng chục ngàn tấn CTR được thu gom nhưng chưa được xử lý theo quy định.
Lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh phụ thuộc vào quy mô dân số của đô thị. Ước tính ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16 % mỗi năm. Tại hầu hết các đô thị, khối lượng CTR sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng CTR đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%).
Chỉ số phát sinh CTR sinh hoạt đô thị bình quân đầu người tăng theo mức sống, ở các đô thị có mức sống cao như các đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1, chỉ số phát sinh CTR sinh hoạt trung bình là 1,3 kg/người/ ngày. Lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh, chiếm tới 45,24.
Ngoài ra, ước tính mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh khoảng 76 triệu tấn rơm rạ và khoảng 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi, là một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn. Có khoảng 40 - 70% CTR chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch.
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, riêng từ các KCN là khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Theo đánh giá, thành phần CTR công nghiệp có thể thay đổi theo hướng gia tăng chất thải nguy hại, đây là kết quả của quá trình gia tăng mức độ công nghiệp hóa và sử dụng hóa chất ngày càng cao.
Cùng với tốc độ đô thị hóa, các công trình xây dựng tăng nhanh ở các đô thị lớn của cả nước, nên lượng chất thải xây dựng cũng tăng rất nhanh, chiếm khoảng 10 - 15% CTR đô thị. Các đô thị đặc biệt như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, CTR xây dựng chiếm 25% CTR đô thị.
Đối với các địa phương khác như Bắc Giang, Hải Phòng, An Giang, CTR xây dựng chiếm 12 - 13%. Ước tính đến năm 2020, lượng phát sinh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 3.900 tấn/ngày và tăng lên trên 6.400 tấn/ngày đến năm 2030.
Nhiều cụm công nghiệp né trách nhiệm xử lý CTR gây ra ô nhiễm. |
3 nguyên tắc xử lý CTR
Để giải quyết bài toán môi trường, Bộ TN&MT đã xây dựng khung pháp lý để các địa phương hoạt động. Cho đến nay công nghệ xử lý, tái chế CTR được xác định dựa trên thành phần, tính chất, khối lượng, điều kiện cụ thể của từng địa phương và đảm bảo theo nguyên tắc 3RVE: giảm thiểu, sử dụng lại, tái sinh - tái chế.
Đối với CTR sinh hoạt và công nghiệp thông thường, các phương thức xử lý như công nghệ ủ sinh học được áp dụng để chế biến phân compost, thu khí; phương thức chôn lấp truyền thống để chế biến khí, ngoài ra còn áp dụng phương thức đốt.
Tuy nhiên, việc xử lý CTR từ hoạt động sản xuất đặc thù còn gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, tro, xỉ, than từ các nhà máy nhiệt điện, xỉ thải từ các nhà máy luyện thép đã được tái chế để làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng nhưng trên thực tế, lượng xỉ thải phần lớn vẫn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Hiện nay đã có 5 công nghệ xử lý được Bộ Xây dựng công nhận, gồm: 2 công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ; 1 công nghệ tạo viên nhiên liệu và 2 công nghệ đốt.
Mặc dù công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ có ưu điểm tạo ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên vận hành bảo dưỡng hệ thống dây chuyền khá phức tạp, hiệu quả thấp, mức độ đầu tư và chi phí vận hành lớn, sản phẩm phân khó tiêu thụ và khó khống chế được ô nhiễm thứ cấp đối với môi trường.
Do đó, xu hướng trong tương lai, công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ dễ bị thay thế bằng các công nghệ khác tiến tiến hơn. Sử dụng công nghệ đốt giảm được 80 - 90% khối lượng thành phần hữu cơ. CTR được xử lý khá triệt để, ngoài ra còn thu hồi năng lượng cung cấp cho nhà máy điện và có thể xử lý tại chỗ mà không phải vận chuyển đi xa, tránh được rủi ro và chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng lò đốt, chi phí vận hành và xử lý khí thải lớn. Trong quá trình đốt có thể gây ô nhiễm môi trường nếu các biện pháp kiểm soát quá trình đốt, xử lý khí thải không được kiểm soát. Hiện nay, xử lý rác bằng công nghệ đốt chủ yếu có 2 dạng là lò đốt rác hóa lỏng và công nghệ đốt chất thải thu hồi năng lượng.
Phần lớn CTR vật liệu xây dựng không được tái chế mà vẫn chôn lấp. |
Bài toán nào cũng cần phải có tiền
Cả nước hiện khoảng 500 bãi chôn lấp (quy mô trên 1ha). Tuy nhiên, trong đó chỉ có 121 bãi hợp vệ sinh. Công nghệ chôn lấp có ưu điểm đơn giản, chi phí thấp nhưng nhược điểm là tốn diện tích, khó kiểm soát ô nhiễm, dễ phát tán ô nhiễm ra môi trường xung quanh.
Kết quả nghiên cứu của dự án Chất thải rắn Việt Nam do Bộ Xây dựng phối hợp với tổ chức JICA thực hiện khảo sát trên 4 công nghệ: chôn lấp; đốt; ủ phân hữu cơ và kết hợp ủ phân hữu cơ với đốt, cho thấy việc sử dụng công nghệ xử lý CTR kết hợp mặc dù phí xử lý hàng năm cao hơn song tiết kiệm diện tích bãi chôn lấp đến 7 lần.
Hoạt động tái chế đã có từ lâu ở nước ta nhưng công nghệ tái chế tại các làng nghề hầu hết là cũ và lạc hậu, quy mô nhỏ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số nơi như xã Chỉ Đạo, Minh Khai (Hưng Yên), làng nghề sản xuất giấy Dương Ổ (Bắc Ninh), Triều Khúc (Hà Nội).
Theo bà Vũ Thị Minh Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Vạn Thuận (đơn vị quản lý cụm công nghiệp làng nghề Triều Khúc): Xử lý CTR theo công nghệ nào, phương thức nào thì cũng đều rất tốn kém. Bởi vậy mà không ít doanh nghiệp né tránh trách nhiệm xử lý CTR bằng cách hợp đồng với một đơn vị thu gom nào đó và mặc kệ cách xử lý của đối tác.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR theo Quyết định số 419/QĐ-TTg. Theo đó, quản lý tổng hợp CTR là kết hợp các phương pháp theo tiếp cận tổng thể để quản lý chất thải trong toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến xử lý cuối cùng; được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường.