Giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết ở mức nào phải nhập viện?

Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay.

Hỏi: Tôi thấy mọi người theo dõi sốt xuất huyết thường xét nghiệm tiểu cầu để biết mức độ nguy hiểm. Xin hỏi, tiểu cầu ở mức bao nhiêu phải nhập viện? Dấu hiệu nào báo hiệu giảm tiểu cầu? Tiểu cầu giảm bao nhiêu thì phải truyền?

Đỗ Thị Thảo (Hà Nội)

Bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng được điều trị tại bệnh viện nhiệt đới TƯ

Bệnh nhân sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng được điều trị tại bệnh viện nhiệt đới TƯ

Trả lời: Để biết được chính xác bệnh nhân sốt xuất huyết có giảm tiểu cầu hay không thì cần làm xét nghiệm công thức máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150 - 450G/L. Tiểu cầu được coi là giảm khi số lượng còn dưới 150 G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L, mức nghiêm trọng là 10 – 20 G/L.

Nguyên nhân của tình trạng giảm tiểu cầu khi mắc sốt xuất huyết là do tủy xương (nơi sản xuất tiểu cầu) bị ức chế; các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu; tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch; tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy…

Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của người bệnh cũng giảm đi.

Với bệnh nhân sốt xuất huyết, theo khuyến cáo tiểu cầu dưới 50 G/L nếu đang điều trị tại nhà thì nên vào viện ngay. Dấu hiệu nhận biết giảm tiểu cầu là:

Xuất huyết trên da: Các chấm xuất huyết rải rác hoặc ở cẳng tay cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng…

Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nặng: Thoát huyết tương qua thành mạch, kéo theo mất nước; Chảy máu mũi nặng; Ra máu âm đạo nặng; Xuất huyết trong cơ và phần mềm; Xuất huyết nội tạng, xuất huyết não; Xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, tiểu ít…; Suy hô hấp, suy tim, gan hoặc các cơ quan khác.

Khi giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết xuống quá mức cho phép thì người bệnh vừa bị xuất huyết vừa bị giảm hoàn toàn khả năng chống lại nhiễm trùng và khả năng đông máu.

Hiện nay đã có hướng dẫn của Bộ Y tế về truyền khối tiểu cầu trong trường hợp bệnh nhân hạ tiểu cầu xuống dưới 20 G/L hoặc dưới 10 G/L kèm theo xuất huyết.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà (Nguyên Phó giám đốc, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương)

Theo Đời sống
back to top