Gia tăng trẻ nhập viện do mắc virus hợp bào hô hấp RSV ở Hà Nội

Thời gian gần đây số bệnh nhi nhập viện với các bệnh lý đường hô hấp tại bệnh viện gia tăng đáng kể. Nhất là các trường hợp do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nên

Thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, trong thời gian gần đây số bệnh nhi nhập viện với các bệnh lý đường hô hấp tại bệnh viện gia tăng đáng kể. Nhất là các trường hợp do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nên, đặc biệt đối với các trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Theo BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh – Bệnh viện Thanh Nhàn, tỷ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào trong Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh của bệnh viện ở thời điểm hiện tại chiếm khoảng ¼ số bệnh nhi (khoảng 15 trẻ). Trong đó, có hai trường hợp là trẻ sinh đôi mới hai tháng tuổi, bị biến chứng nặng suy hô hấp đang phải thở oxy.

Bác sĩ cũng cho biết, đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở oxy hỗ trợ. Trường hợp bị suy hô hấp đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1-2 tháng tuổi.

"Virus RSV là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch vẫn còn kém. Việc điều trị bệnh do virus này gây ra với trẻ khá khó khăn. Dù không phải là một loại virus mới nhưng đã có nhiều nghiên cứu và thống kê cho thấy, virus này gây bệnh nặng đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Virus hợp bào hô hấp gây suy giảm hệ miễn dịch, hiện tại chưa có loại thuốc để điều trị đặc hiệu. Bệnh viện chỉ có thể tập trung điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho các bé.

Virus này rất hay gây đồng nhiễm với các loại virus khác cũng như với các vi khuẩn, chính vì vậy, nhiều trường hợp trẻ phải dùng thêm kháng sinh để điều trị.

Ngoài ra tại Bệnh viện nhi Trung Ương, cho biết số ca mắc virus hợp bào hô hấp được phát hiện tại cơ sở y tế này đang có xu hướng gia tăng giai đoạn gần đây và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ, có bệnh lý nền.

Có một số yếu tố nguy cơ có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng, gồm: Đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; Bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi; Trẻ dưới 3 tháng tuổi; Bệnh phổi mãn tính: loạn sản phế quản phổi, suy dinh dưỡng nặng,…

Theo Đời sống
back to top