Gene người Việt không phải thấp lùn

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, gene của người Việt Nam so với các dân tộc khác là tương đồng, không có cơ sở để nói gene của người Việt là thấp lùn. Thông tin người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới là bởi những yếu tố bên ngoài như môi trường sống, thực phẩm, thói quen vận động…

Người Việt trong tiền sử không lùn

Tổ chức độc lập World Population Review (WPR) vừa công bố dữ liệu về sự gia tăng dân số toàn cầu. Theo đó, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam trưởng thành chỉ là 162,1cm (nữ giới là 152,2cm), lùn thứ 4 thế giới và chỉ xếp trên các quốc gia Indonesia (158cm), Bolivia (160cm) và Phippipines (161,9cm). Thậm chí, theo danh sách này, người Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia khi chiều cao trung bình của nam giới nước này là 162,5cm.

Theo TS Nguyễn Việt, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, các số liệu nghiên cứu khảo cổ học cho đến thời điểm này thì chiều cao của người Việt Nam không có nhiều khác biệt so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tiến hành đo đạc xương từ những di cốt người tiền sử tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ học thì thấy rằng, có những người có chiều cao khiêm tốn, chỉ khoảng 1,50m, nhưng cũng có những người cao đến 1,89m. Cụ thể, khi nghiên cứu về khu mộ ở Động Xá (Hưng Yên), các nhà nghiên cứu đã thu thập được đầy đủ xương cốt người tiền sử để đo đạc thì về cơ bản, phụ nữ cao khoảng 1,50m và đàn ông cao khoảng 1,65m. Nhưng ở những di chỉ khác, cũng đã phát hiện những bộ xương cốt mà người đàn ông có chiều cao đến 1,80m, thậm chí có người cao đến 1,89m. Những bộ xương cốt tìm được ở Xóm Trại cho thấy chiều cao lên đến 1,7m, ở điểm diễn ra trận Bạch Đằng là 1,7m và ở Sơn La là 1,71m.

“Chưa có thống kê cụ thể nào về chiều cao trung bình của người tiền sử ở Việt Nam, song những con số đo đạc rải rác từ các mẫu xương cốt cho thấy, chiều cao của người Việt Nam ở mức bình thường, thậm chí có những người rất cao. Việc công bố người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới với chiều cao trung bình của phụ nữ chỉ 1,52m và nam giới là 1,62m là dựa trên thống kê nào, thực hiện vào thời điểm nào? Tôi cho rằng con số này chỉ phù hợp ở thời điểm những năm 70 đến 90 của thế kỉ XX. Còn chiều cao hiện nay của người Việt như thế nào, Bộ Y tế cần có thống kê và công bố cụ thể để người dân được nắm rõ”, TS Nguyễn Việt cho biết.

Cao hay thấp do môi trường

Theo TS Nguyễn Việt, yếu tố chủ yếu quyết định đến chiều cao là nguồn dinh dưỡng. Ví dụ như người Châu Âu, từ xa xưa người ta đã sử dụng thực phẩm từ những loài động vật lớn 4 chân như bò, cừu, dê, lợn… trong khi đó người Việt lại chủ yếu ăn các loài động vật bậc thấp hơn như ốc, chai, sò, hến, tôm, cua… Sự khác biệt trong ăn uống dẫn đến thể trạng khác nhau. Gene di truyền của mỗi dân tộc cũng là một yếu tố nhưng không mang tính quyết định. Ngoài ra cũng có những lát cắt thế hệ. Ví dụ như thế hệ người Việt vừa trải qua chiến tranh, khan hiếm thức ăn, đói kém, thì chiều cao sẽ hạn chế. Ngược lại, đến giờ, điều kiện sống đầy đủ hơn thì chiều cao cũng được cải thiện nhiều.

“Rồi một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông vẫn duy trì hôn nhân cận huyết. Đây cũng là lý do làm cho chiều cao của nhóm người này bị thấp đi. Khi thực hiện điều tra dân số, người ta phải tính toán cộng trừ giữa nhiều nhóm người khác nhau để đưa ra kết quả cuối cùng”, TS Nguyễn Việt cho biết.

GS.TS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam khẳng định, công thức luôn đúng là “kiểu gene + môi trường = kiểu hình”, trong đó kiểu hình là chiều cao. Về gene của người Việt Nam, không có cơ sở để nói thấp hơn các nước khác. Trong hệ gene của con người nói chung, có đến 99,9% là giống nhau. Ở đây, chiều cao của người Việt Nam cao hay thấp là do môi trường, cụ thể là chế độ dinh dưỡng, môi trường sống, thói quen vận động cũng như sinh hoạt. “Trước đây người Nhật Bản được coi là người lùn, nhưng sau nhiều thập kỷ họ cải thiện chế độ dinh dưỡng thì chiều cao của họ đã được cải thiện rất nhiều. Đến nay, chiều cao của người Nhật đã đạt mức rất đáng mơ ước. Do đó, việc cao hay thấp không nằm ở kiểu gen”, GS.TS Lê Đình Lương nhận định.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top