EVNHANOI: Triển khai trạm biến áp không người trực vận hành

Triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) luôn chú trọng xây dựng hạ tầng lưới điện thông minh vận hành trên nền tảng số. 

Hệ thống trạm biến áp (TBA) không người trực là bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác điều hành, giám sát lưới điện tại EVNHANOI

Hiện nay, EVNHANOI đang quản lý 60 TBA 110/220kV với tổng công suất 8698MVA; 111 đoạn tuyến đường dây 110kV với tổng chiều dài 1081.36 Km (trong đó có 945.78 Km đường dây nổi và 135.58 Km cáp ngầm); 02 đoạn tuyến đường dây 220kV, với tổng chiều dài 8,84 Km (trong đó có 8,34 Km đường dây nổi và 0,5 Km cáp ngầm).

Toàn bộ hệ thống trạm được điều khiển từ xa

Toàn bộ hệ thống trạm được điều khiển từ xa

Để vận hành một TBA truyền thống phải cần ít nhất từ 10 đến 15 công nhân để vận hành và giám sát các thông số. Bên cạnh đó, việc thao tác trong trạm theo mệnh lệnh điều khiển thông qua điện thoại sẽ tiềm ẩn các tình huống gây mất an toàn, rủi ro khi công nhân vận hành trực tiếp thao tác trên thiết bị.

Với mục tiêu là đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để từng bước tự động hóa công tác sản xuất, kinh doanh. Từng bước thích ứng với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực. Toàn bộ 60 TBA đã được EVNHANOI đầu tư vận hành không người trực từ đó giải phóng toàn bộ kíp trực, loại bỏ việc ghi chép, nhập thủ công toàn bộ các thông số của các thiết bị trạm.

Mô hình trạm biến áp không người trực được EVNHANOI áp dụng đã, đang phát huy hiệu quả rõ nét. Việc làm này nằm trong lộ trình xây dựng lưới điện thông minh để hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tự động hóa... Riêng đối với TBA 110kV xây dựng mới thì bắt buộc thiết kế theo tiêu chí không người trực nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải. Mô hình này đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, đổi mới và cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện.

TBA không người trực là giải pháp tối ưu cho điều khiển hệ thống điện trên địa bàn thủ đô hiện nay khi diện tích xây dựng trạm ngày càng thu hẹp. Cùng với đó các thao tác trên thiết bị và thu thập thông số vận hành đều được thực hiện tự động. Mọi hoạt động đóng cắt, vận hành lưới, giám sát quá trình hoạt động, thu thập dữ liệu của trạm đều được điều khiển, giám sát qua hệ thống camera từ Trung tâm điều khiển xa.

Qua đánh giá thực tế, nhận thấy TBA không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA... Rõ ràng, từ đây đã giảm tối đa nhân lực vận hành, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo.

Theo Đời sống
back to top