ECMO thức tỉnh cứu sống người bệnh

ECMO thường được sử dụng khi bệnh nhân đã rất nặng (phải dùng an thần, thở máy). Nay, các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đi trước một bước, dùng ECMO thức tỉnh khi bệnh nhân còn tự thở để can thiệp tim mạch.

Ngày 29/7, tại TP HCM, Khoa Hồi sức Tim mạch, Viện Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 tham gia Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sử dụng ECMO cho bệnh nhân tim mạch.

Tham dự Hội thảo có các bác sỹ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đà Nẵng... Đây là dịp để các bác sĩ trao đổi kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức mới ở lĩnh vực hồi sức tim mạch.

TS.BS Đặng Việt Đức, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị ECMO thức tỉnh

TS.BS Đặng Việt Đức, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị ECMO thức tỉnh

Kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ sự sống cho các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức nâng cao.

ECMO là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và chỉ mới được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.

Những năm gần đây, vai trò của ECMO trong chuyên ngành tim mạch được sử dụng nhiều hơn tại nhiều trung tâm trong và ngoài nước do các biến chứng tim mạch ngày càng đa dạng, phức tạp với nhiều bệnh lý kết hợp.

Tại Hội thảo, Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 tham gia với 2 báo cáo của TS. BS Đặng Việt Đức chia sẻ về những trường hợp ECMO thức tỉnh trong tim mạch thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện TWQĐ 108.

TS.BS Đặng Việt Đức, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trước đây, ECMO thường được sử dụng khi bệnh nhân đã rất nặng (phải dùng an thần, thở máy). Nay, các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đi trước một bước, dùng ECMO thức tỉnh khi bệnh nhân còn tự thở để can thiệp tim mạch.

"Với phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp phẫu thuật, có thể nói chuyện cùng bác sĩ và thông báo với bác sĩ những thay đổi của cơ thể mình để kịp thời xử trí", TS.BS Đặng Việt Đức nói.

Báo cáo đã được các đồng nghiệp đánh giá cao, thảo luận sôi nổi và hứa hẹn nhiều triển vọng mở rộng đến các tuyến bệnh viện trong tương lai.

ECMO thức tỉnh lần đầu tiên được nhắc đến trên thế giới vào năm 2010 ở những bệnh nhân suy hô hấp kháng trị với mục đích bắc cầu để ghép phổi.

Đến năm 2021, ELSO (Tổ chức hỗ trợ sự sống ngoài cơ thể) đã có những khuyến cáo bước đầu về ECMO thức tỉnh đặc biệt ở bệnh nhân tim mạch.

Những bệnh nhân sốc tim, rối loạn nhịp tim phức tạp nếu được thực hiện ECMO thức tỉnh đúng chỉ định ngoài việc giảm biến chứng viêm phổi bệnh viện, giảm ảnh hưởng của thuốc an thần còn có ý nghĩa hết sức nhân văn bởi người bệnh tỉnh táo được tương tác trực tiếp với nhân viên y tế và người nhà, từ đó có thể giúp phát hiện sớm các biến chứng cũng như thực hiện được các biện pháp vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý liệu pháp tốt hơn...

BS Lưu Quang Minh (Khoa Hồi sức Tim mạch - Viện Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108)

Theo Đời sống
back to top