Đừng dùng sai máy giặt

Việc sử dụng máy giặt với nhiều người rất đơn giản. Các chế độ đã cài đặt sẵn, nhét quần áo vào, bấm nút và chờ máy giặt xong. Thực tế, mọi thứ không đơn giản như thế. Các chuyên gia khuyên bạn cần có sự hiểu biết để đừng dùng sai máy giặt.

Các chuyên gia khuyên bạn cần có sự hiểu biết để đừng dùng sai máy giặt.

Chạy không tải 1 lần/tháng

Nhiều người luôn cho rằng, máy giặt là thiết bị không cần vệ sinh bởi chúng luôn sạch, chúng phải sạch thì quần áo lấy ra mới sạch được. Thực tế không phải như vậy. Theo GS Charles Gerba, Đại học Arizona (Mỹ) trong máy giặt có vô vàn vi khuẩn và chất bẩn.

Lý do là vì nước giặt xả chỉ loại bỏ được các vết bẩn chứ không có tác dụng trong việc tiêu diệt vi khuẩn bám đầy trên quần áo bẩn. Hơn thế, vi khuẩn, thậm chí là các chất bẩn không theo nước đi ra ngoài mà bám lại ở lồng giặt.

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch cho rằng, cần định kỳ vệ sinh máy giặt 1 tháng/lần. Bạn có thể dùng viên tẩy máy giặt chuyên dụng hoặc có thể thay bằng giấm với bột baking soda.

Bạn hãy cho chúng vào máy và bấm nút chạy không tải để làm sạch máy. Ngoài ra, bạn cần vệ sinh sạch sẽ túi lọc, ngăn đựng bột giặt, nước xả… định kỳ nửa tháng -1 tháng/lần bởi đây là những nơi vi khuẩn trú ngụ và phát triển rất mạnh.

Đừng cuối ngày là tống

Thông thường mọi người có thói quen thay quần áo ra, vứt vào chậu/rỏ đựng quần áo bẩn rồi tống thẳng vào máy giặt vào cuối ngày mà không để ý đến việc đã đủ một “mẻ” giặt hay chưa. Theo KS Nguyễn Văn Hùng, Công ty TNHH Điện lạnh Ánh Sao, quần áo nhiều hay ít đều ảnh hưởng đến hiệu quả giặt của máy.

Đối với việc giặt quá tải, quần áo sẽ chuyển động thành một khối, không thể khuấy hoặc lắc mạnh theo guồng quay của dòng nước. Đối với việc giặt quá ít, quần áo giặt có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy.

Vì thế, tốt nhất là căn đúng khối lượng quần áo cho một lần giặt tương đương với qui định trọng lượng máy giặt (thông thường mức quần áo khô khi bỏ vào có thể ước lượng khoảng 4/5 so với chiều cao của lồng giặt).

Để đảm bảo đủ mẻ giặt, ngay từ khi mua máy bạn nên chọn loại máy có khối lượng giặt phù hợp với số lượng người trong gia đình. Ví dụ, nhà có 4 – 5 người nên chọn lựa máy giặt có khối lượng giặt từ 5,5 – 6,5kg/mẻ là đủ đáp ứng nhu cầu giặt.

Có thể chạy hai chu kỳ

Thực tế, không phải quần áo nào cũng nên ném thẳng vào máy và chỉ giặt với một chu kỳ là xong. Với chăn, gối, khi giặt, ruột chăn, gối rất “bắt” xà phòng, khiến xà phòng ngấm sâu vào từng thớ của ruột chăn, gối vì thế, có thể khó loại bỏ hết xà phòng trong một lần giặt. Để đảm bảo sạch sẽ, bạn có thể chạy hai chu kỳ liên tiếp.

Ngoài ra, với quần áo bạn cần phải phân loại, quần áo ít bẩn và quần áo bám đầy vết bẩn cứng đầu. KS Nguyễn Văn Hùng phân tích, cơ chế giặt của máy giặt rất khác với giặt bằng tay. Khi giặt tay, bạn sử dụng lực từ tay và biết cách cân đối việc sử dụng lực mạnh, yếu, giúp quần áo sạch.

Với máy giặt, các vết bẩn trên quần áo được giặt sạch nhờ chuyển động xoáy của dòng nước bên trong máy kết hợp với bột giặt.

Máy giặt hoàn toàn không phân biệt được vết bẩn nằm ở đâu trên quần áo. Vì vậy, giải pháp là bạn cần giặt phân loại. Với những quần áo dính các chất bẩn cứng đầu, bạn nên giặt trước bằng tay.

Hãy mở cửa máy giặt

Rất nhiều gia đình không có thời gian nên chọn cách trước khi đi ngủ bấm máy giặt và sáng hôm sau dậy phơi quần áo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Vinh, quần áo sau giặt vẫn còn ẩm ướt, lại bị “om” trong máy giặt, môi trường kín bí sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển khiến quần áo dù đã giặt sạch mà vẫn có mùi khó chịu.

Vì thế, nếu có điều kiện hãy phơi ngay quần áo sau giặt nơi có ánh nắng Mặt Trời hoặc thoáng gió. Với mặt giặt, bạn đừng đóng cửa máy lại ngay sau khi lấy quần áo ra. Môi trường ẩm ướt sẽ khiến cho vi khuẩn phát triển. Thay vào đó, cần mở cửa máy để bên trong lồng được khô, thoáng, tránh vi khuẩn, nấm mốc được dịp phát triển.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top