Hạt đậu Lào
Đậu “thần dược”
Thời gian gần đây, chị em xôn xao về một loại hạt đậu, hay còn gọi là hạt đậu Lào hút độc. Chúng được quảng cáo có công dụng như “thần dược”, hút được tất cả các loại nọc độc. Trên các trang mạng xã hội, loại hạt này được rao bán tràn lan cùng những lời quảng cáo có cánh.
Trên tài khoản facebook Dược liệu Tây Bắc rao bán đậu Lào giá 50.000 đồng/hạt cùng lời quảng cáo: “Hạt đậu Lào hay còn gọi là hạt hút nọc độc có tác dụng làm lành các vết thương do côn trùng, rắn, rết, chó dại cắt, ong đốt”.
Tại trang web dacsan365.com quảng cáo, đậu Lào có tác dụng hút chất độc khi bị rắn cắn. Có nhiều tên gọi của hạt này như hạt nọc, hạt mắc cải lai, hạt đậu Lào nhưng tên gọi tương đối chính xác của loại hạt chữa rắn cắn là đậu Mèo. Hạt đậu này có độc nên không dùng để uống. Ngoài ra bị rết cắn hoặc mụn nhọt cũng dùng hạt đậu lào làm tương tự rất hiệu quả.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, việc chữa các vết cắn, hút nọc độc bằng hạt đậu Lào chỉ là kinh nghiệm dân gian, không có cơ sở khoa học rõ ràng. Không ai biết hạt đậu Lào chứa thành phần là gì, công dụng ra sao, tác động như thế nào khi sử dụng.
Hơn nữa, nếu chỉ là kinh nghiệm dân gian thì nó sẽ không hiệu quả với tất cả mọi người. Khi đã bị các loài có nọc độc cắn như rắn, ong, bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được xử lý. Tất cả các bài thuốc dân gian Đông y, chữa theo kinh nghiệm truyền miệng là không ổn.
“Nọc độc khi đã vào cơ thể con người thường di chuyển rất nhanh theo đường máu. Nếu không xử lý kịp thời thì nọc độc sẽ di chuyển đến tạng phủ, không thể cứu chữa được.
Dùng đậu Lào để hút nọc độc trong những trường hợp này rất dễ mất mạng. Do đó, không nên tin tưởng vào những thông tin truyền miệng không có căn cứ. Hơn nữa giá thành của hạt đậu Lào lại rất đắt, trong khi tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết.
Nhiều mẹo dân gian rẻ tiền
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, không có loại đậu nào có tác dụng thần kỳ như thế và có giá thành cao như vậy. Những quảng cáo trôi nổi trên các tài khoản cá nhân chỉ nhằm mục đích bán được hàng mà không có cơ sở nào chứng minh tác dụng cũng như giá trị thật của chúng.
Nếu theo kinh nghiệm dân gian thì không cần phải dùng đến hạt đậu Lào với giá tiền triệu, người ta có thể sử dụng nhiều cách khác nhau để chữa rắn cắn, côn trùng đốt. Ví dụ như dùng hạt chanh để cứu người bị rắn cắn.
Ngay khi bị rắn cắn, dùng hạt chanh tươi hoặc hạt chanh đã phơi khô, số lượng 20g cho người bị rắn cắn nhai trong miệng cho nát. Nuốt phần nước của hạt chanh, sau đó dùng phần bã đắp vào vết bị rắn cắn để cấp cứu giải độc. Tuy vậy thì ngay sau khi sơ cứu người bị rắn cắn tại nhà, cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nơi thường trú.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho biết, có rất nhiều mẹo dân gian khác nhau để xử lý rắn độc cắn hay ngộ độc. Ví dụ, khi bị rắn độc cắn. dùng cây bòn bọt còn gọi là cây bọt ếch, chè bọt, cây sóc bằng cách lấy lá tươi giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên vết thương.
Khi bị ngộ độc, cảm sốt, say sắn, ngộ độc nấm bằng cách dùng 100g cây cam thảo tươi tươi rửa sạch, sắc lấy nước uống. Hay người ta còn dùng cây mua lùn để giải độc sắn và chữa rắn độc cắn: lấy rễ giã nát, hãm với nước sôi hoặc sắc lấy nước uống. Hay lá sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống để chữa rắn độc cắn, bã đắp lên trên vị trí tổn thương.
“Trong khi có rất nhiều cách sơ cứu khác nhau rẻ tiền, dễ kiếm thì việc sử dụng hạt đậu Lào là không cần thiết và không có cơ sở”, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết.
Theo các chuyên gia, tất cả các phương pháp đều chỉ là sơ cứu ngay lập tức. Để chữa trị bắt buộc phải đến các cơ sở y tế. Tự chữa trị tại nhà, nguy cơ tử vong rất cao.
Bảo Khánh