Đừng biến thiết bị điện thành ổ vi khuẩn và bụi

(khoahocdoisong.vn) - Nhiệt độ hạ cũng là lúc quạt, điều hòa… không dùng đến. Bạn sẽ xử lý thế nào, điều hòa chỉ cần ngắt điện, quạt để gọn vào một chỗ… Theo các chuyên gia, cách “đối xử” với các thiết bị điện kiểu này sẽ khiến chúng nhanh hỏng, thậm chí trở thành nơi cho vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn… làm ổ. Điều đáng nói, bạn có thể tự vệ sinh các thiết bị này tại nhà một cách rất đơn giản.

Điều hòa bốc mùi

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, ngoài những chiếc điều hòa hai chiều sử dụng được cả vào mùa đông, những chiếc điều hòa một chiều gần như bị “mất tác dụng” vào mùa đông. Với những chiếc điều hòa một chiều này, khi không sử dụng đến (mùa đông), mọi người thường chỉ rút phích cắm điện và để mặc chúng trên tường cao.

Việc quên vệ sinh điều hòa khi không dùng đến sẽ là cơ hội để vi khuẩn, nấm mốc và bụi “làm ổ”. Chúng sẽ om lại trong máy, khi hè đến, mang ra sử dụng lại, các hạt bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc theo hơi gió bay ra làm ô nhiễm bầu không khí trong phòng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Vì vậy, khi nhiệt độ xuống thấp, hãy nhớ bảo dưỡng điều hòa trước khi cho chúng tạm nghỉ. Việc vệ sinh điều hòa nhiệt độ không quá khó như nhiều người nghĩ. Bạn có thể tự làm tại nhà với các bước vệ sinh vỏ máy, vệ sinh và làm sạch bộ lọc, cánh gió và bộ phận tản nhiệt. Trước khi vệ sinh, bạn cần ngắt điện sau đó vệ sinh lần lượt các bộ phận.

Với vỏ máy, bạn hãy dùng khăn ẩm lau sạch bề mặt. Với bộ phận lọc lưới, bạn cần gỡ bỏ tấm lưới lọc sau đó làm sạch chúng bằng nước sạch và lau khô. Với cánh gió và bộ phận tản nhiệt, bạn có thể sử dụng chai xịt vệ sinh chuyên dụng hoặc đơn giản là dùng khăn ướt lau các khe của cánh gió. Sau đó, bạn lắp lưới lọc đã khô và vỏ mặt vào lại máy.

KS Trương Văn Hùng: Khi không sử dụng (mùa đông) cần vệ sinh, tra dầu và bọc quạt trong túi ni lon trước khi cất vào hộp để tránh hơi ẩm làm han gỉ các bộ phận kim loại.

Ổ bụi mang tên quạt

Tương tự với điều hòa, việc bảo quản quạt điện khi mùa đông về cũng không được nhiều gia đình chú ý. Có người chỉ làm mỗi việc là mang chiếc quạt cất gọn vào một xó, thậm chí quạt treo tường còn không buồn gỡ quạt xuống khiến cho quạt vốn là thiết bị dễ bám bụi sẽ bị bao phủ bởi lớp bụi dày đặc. Khi hè sang, bật quạt lên cũng là lúc bụi bay tứ tung khắp nhà. Cẩn thận hơn, có người lau chùi cho hết bụi rồi cho lại vào hộp, hoặc bọc trong túi nilon.

Theo KS Nguyễn Văn Hùng, Công ty TNHH Điện lạnh Ánh Sao, những cách này là chưa đủ. Bạn cần vệ sinh, tra dầu trước khi cất đi. Cụ thể, với các loại quạt bàn, quạt cây, quạt treo tường chạy động cơ thông thường, trước khi cất đi, bạn nên vệ sinh bằng cách tháo rời cánh quạt, lồng quạt sau đó rửa sạch bằng nước; ngoài ra nhớ nhỏ dầu bôi trơn (nhớt) vào các ổ trục của quạt. Việc này sẽ giúp bảo dưỡng quạt tốt nhất, tránh khỏi bụi bẩn và nguy cơ bụi bám lâu ngày gây bó trục, khô động cơ khi dùng lại vào mùa sau.

Với các loại quạt đá, quạt hơi nước, trước khi không sử dụng trong thời gian dài cần kiểm tra làm sạch hộc nước, tránh để nước còn đọng trong đó sẽ gây ẩm mốc các linh kiện bên trong máy. Chú ý lau rửa lưới lọc chắn bụi phía sau quạt, màn thấm nước, xả đáy, đường ống bơm nước và các bộ phận bên trong quạt.

Riêng với quạt sạc điện, bạn cần sạc đầy bình mỗi tháng 1 lần để tránh pin hoặc ắc quy bị chai hỏng.

Sau khi vệ sinh, tra dầu nên bọc quạt trong túi ni lon rồi cất vào hộp để tránh hơi ẩm làm han rỉ các bộ phận kim loại. Thông thường khi mua quạt, mỗi quạt sẽ có hộp riêng, hầu hết mọi người sẽ vứt các hộp này đi. Việc này là không nên, bạn nên xếp chúng gọn lại, khi đông về lấy ra để bọc quạt, cách này giúp tránh cho quạt khỏi bụi và nhiễm ẩm từ môi trường bên ngoài dẫn đến han gỉ các bộ phận làm bằng sắt.

Theo Đời sống
back to top