Một con tê giác bị nhân viên thú y tháo sừng sau đó bị nhiễm trùng và chết. Ảnh: Brent Stirton.
Ngày 30/10, WWF đã công bố Báo cáo hành tinh Sống 2018 theo dõi xu hướng phát triển quần thể các loài hoang dã từ năm 1970 đến 2014.
Số liệu nêu về các loài cá, chim, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát đã giảm trung bình 60%. Nguyên nhân là do con người chặt phá rừng, sử dụng chất hóa học trong nông nghiệp làm mất sinh cảnh sống và khai thác quá mức động thực vật hoang dã.
Theo WWF, trong vòng 50 năm, diện tích rừng Amazon đã biến mất 20%, trong khi đó trái đất mất đi khoảng một nửa rạng san hô tại vùng nước nông trong 30 năm qua.
Loài tê giác trắng và voi châu Phi, đang bị sụt giảm quần thể nghiêm trọng do bị săn bắt để lấy ngà voi và sừng. Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ chính hai sản phẩm này.
Nhu cầu của người Việt đối với ngà voi và sừng tê giác châu Phi đã góp phần làm giảm quần thể những loài này, thổi bùng lên các thương vụ buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên toàn cầu. "Các loài động vật có xương sống của Việt Nam cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, phần lớn là do việc đặt bẫy trộm – loại bẫy làm bằng dây kim loại và giết chết bất kể loài nào dính phải”, TS Benjamin Rawson cho biết.TS Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn của WWF Việt Nam cho biết, Việt Nam góp phần làm suy giảm quần thể các loài hoang dã của chính mình và các quốc gia khác.
Trước tình trạng này WWF kêu gọi từng cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ huy động nguồn lực thúc đẩy các hành động từ lĩnh vực công và tư để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu, đồng thời thay đổi xu hướng suy thoái đang diễn ra.
Báo cáo Hành tinh Sống 2018 là ấn phẩm thứ 12 của WWF, phát hành hai năm một lần.