Đợi thi xong mới đi khám, thanh niên 22 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn

Đau tinh hoàn chớ coi thường vì nguyên nhân gây đau rất đa dạng, có thể lành tính hoặc ác tính... và có thể là biểu hiện của một bệnh lý cấp cứu cần phải phẫu thuật khẩn cấp nếu không sẽ mất tinh hoàn và nguy hiểm tính mạng.

Mất tinh hoàn do... vào viện muộn

Mới đây, Đơn vị Nam học thuộc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu - Bệnh viện Bạch Mai - tiếp nhận nam thanh niên 22 tuổi đến khám trong tình trạng đau tinh hoàn. Bệnh nhân cho biết đã xuất hiện triệu chứng đau cách đây 2 ngày nhưng do bận ôn thi hết năm nên cố chịu đựng để thi xong.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, kết quả bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nhưng đến viện muộn, mô tinh hoàn không có cơ hội hồi phục và bệnh nhân phải mổ cắt tinh hoàn.

Đau tinh hoàn là một dấu hiệu phổ biến thường gặp ở hầu hết các bệnh lý tinh hoàn, mỗi người nam giới ít nhất có vài lần đau tinh hoàn trong đời.

Triệu chứng này đa số là do các bệnh lý lành tính, có thể tự hết mà không cần sự trợ giúp của bác sỹ, nhưng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng, nếu bỏ qua có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như phải cắt bỏ tinh hoàn, teo tinh hoàn, thậm chí là vô sinh về sau.

Thông thường, bệnh nhân có thể đau với các mức độ như đau tức, đau nhói, đau âm ỉ, thậm chí có thể đau dữ dội, vật vã. Mức độ đau thường liên quan đến mức độ trầm trọng của bệnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị đau dữ dội, có những trường hợp đau có thể nhẹ, đau tức nặng nhưng có thể là biểu hiện của viêm nhiễm tinh hoàn, có thể dẫn đến teo tinh hoàn.

Đừng chủ quan nếu đau tinh hoàn

Nguyên nhân gây đau tinh hoàn rất đa dạng, có thể lành tính như đau do giãn tĩnh mạch tinh, chấn thương, vi chấn thương, viêm nhiễm, hoặc là biểu hiện của bệnh lý ác tính như ung thư tinh hoàn … nhưng cũng có thể là biểu hiện của một bệnh lý cấp cứu cần phải phẫu thuật khẩn cấp mà nếu để lâu có thể dẫn đến phải cắt bỏ tinh hoàn thậm chí nguy hiểm tới tính mạng như xoắn tinh hoàn, thoát vị bẹn.

BSCKII. Đồng Thế Uy - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Một trong số những bệnh lý nguy hiểm khởi phát từ cơn đau tinh hoàn có thể dẫn đến việc phải cắt bỏ tinh hoàn đó là bệnh xoắn tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn lại, ngăn chặn con đường vận chuyển máu đến tinh hoàn. Từ đó làm giảm lưu lượng máu, gây sưng đau đột ngột và dữ dội. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trẻ sơ sinh và giai đoạn từ 12 - 18 tuổi.

Tinh hoàn bị xoắn phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để tránh tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến cắt bỏ.

Giải thích về lý do phải đến viện sớm khi có biểu hiện đau tinh hoàn, bác sĩ Uy cho biết: Khi con đường vận chuyển máu đến tinh hoàn bị cắt đứt, tinh hoàn bị xoắn có thể gây đau dữ dội. Bìu sưng to và có nguy cơ hoại tử nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.

Bác sĩ Uy cho biết thêm: Hầu hết những người bị xoắn tinh hoàn đều không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trước đó. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này, bao gồm: Một tinh hoàn có kích thước lớn hơn. Khối u xuất hiện trên tinh hoàn, đặc biệt là khối u ác tính liên quan đến thừng tinh.

Tuổi tác: Tình trạng xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên giai đoạn từ 16 - 18 tuổi (trước hoặc trong tuổi dậy thì).

Một số dị tật hoặc biến thể giải phẫu bẩm sinh ở tinh hoàn hoặc các cấu trúc xung quanh cũng có thể làm tăng nguy cơ xoắn, điển hình là dị dạng “quả lắc chuông” (bell-clapper deformity), chiếm đến 90% tổng số các trường hợp;

Chấn thương bìu hoặc tập thể dục nặng, chẳng hạn như đạp xe đạp (chỉ có khoảng 4 - 8% tổng số các trường hợp);

Di truyền và một nguyên nhân đang trong quá trình nghiên cứu: Đó là do thời tiết lạnh.

Trả lời về các biện pháp phòng ngừa để tránh mắc bệnh xoắn tinh hoàn, bác sĩ Uy chia sẻ: Hiện không có phương pháp nào phòng ngừa sớm việc xoắn tinh hoàn và hiếm khi hiện tượng xoắn xảy ra ở cả hai bên. Vì vậy, nếu không may bị loại bỏ một tinh hoàn, tinh hoàn còn lại vẫn có khả năng sản xuất đủ tinh trùng để thụ thai.

Tuy nhiên, những người từng bị xoắn tinh hoàn thường sẽ có số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường. Do đó, nam giới nên cân nhắc mặc quần áo bảo hộ khi vận động, chơi thể thao để bảo vệ cơ quan khỏi chấn thương không đáng có.

Dấu hiệu điển hình nam giới nên theo dõi, nhận biết để liên hệ sớm với bác sĩ:

- Đau tinh hoàn đột ngột và dữ dội một bên tinh hoàn;

- Đỏ và sưng tinh hoàn;

- Đau tinh hoàn kèm theo một bên tinh hoàn cao hơn bên còn lại;

- Đau bụng;

- Buồn nôn và nôn;

- Sốt;

- Đi tiểu buốt, rắt;

- Xuất hiện khối u bất thường trong tinh hoàn.

Theo Đời sống
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như thế nào?

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như thế nào?

Một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị. Điều trị hiệu quả sẽ giúp con không mắc bệnh.
Nhiều trẻ mắc bệnh lý nam khoa do béo phì

Nhiều trẻ mắc bệnh lý nam khoa do béo phì

Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ghi nhận sự gia tăng đáng kể số lượng trẻ em đến khám Khoa Nam học do các vấn đề liên quan đến béo phì, điển hình là tình trạng vùi dương vật và tinh hoàn nhỏ.
back to top