Đối diện làn sóng Covid thứ hai, nhóm doanh nghiệp yếu thế tự cứu mình thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm tỷ trọng 98% xét về vốn và 99% về lao động so với tổng số doanh nghiệp trên cả nước, đáp ứng phần lớn nhu cầu việc làm của người dân. Tăng khả năng chống chịu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là giải pháp quan trọng giúp phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

Đang lỗ, "hỗ trợ" 100% thuế cũng vô nghĩa

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn mặc định đã yếu thế so với các loại hình doanh nghiệp khác, cũng lại phải chịu tổn thương nhiều nhất.

Trong tháng 4/2020, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ hoàn toàn. Sang tháng 5, tháng 6, tình hình kinh doanh dần khả quan hơn khi dịch bệnh dần đưa vào tầm kiểm soát. Doanh thu hồi phục một phần, lượng cầu được cải thiện. Nền kinh tế dần đi vào trạng thái “bình thường mới” với nhiều lạc quan về tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, đến ngày 26/7/2020, ca bệnh mới trong cộng đồng được ghi nhận tại Đà Nẵng, Việt Nam chính thức phải đón nhận làn sóng Covid-19 thứ hai.

Ông Đỗ Tưởng, chủ một chuỗi nhà hàng ăn uống ở Hà Nội chia sẻ: “Tháng 4, chúng tôi bị tê liệt hoàn toàn. Vừa mới bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại ít bữa, chúng tôi còn chưa kịp phục hồi, trở về trạng thái “bình thường mới” thì đợt dịch thứ 2 bùng phát. Chúng tôi như chết lâm sàng thêm lần nữa”.

Hiện ông Tưởng không còn đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Mặt bằng cửa hàng là đi thuê. Tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn đã được dùng để vay vốn trước đó, đến nay vẫn chưa trả hết.

Bà Kim Toán, Giám đốc Công ty Kính Quang Tạo (Phú Thọ) cho biết, doanh thu của công ty trong 6 tháng đầu năm sụt giảm, chỉ bằng 30 - 40% cùng kỳ năm 2019. Thời gian qua, công ty liên tục phải bù lỗ. Tuy nhiên, công ty vẫn cố gắng đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động, không cắt giảm nhân sự và lương. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, có lẽ sức chống đỡ của công ty cũng không còn nhiều.

Theo bà Toán, mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ giảm thuế (30%) cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, nhưng nhiều tháng nay lợi nhuận công ty đều âm. Vì vậy, nếu có giảm 50 - 100% thuế đi chăng nữa cũng không thay đổi được gì.

Theo số liệu thống kê về đăng ký doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có 8.937 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, 32.722 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Đừng chờ Nhà nước, hãy tự cứu mình

Nhờ chuẩn bị được những "kịch bản" tốt đối phó với tác động của dịch bệnh, doanh thu của Công ty CP sản xuất Bảo Minh tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2019. Theo bà Xuân Hải, Giám đốc Bảo Minh, nếu như trước đây, thị trường bán lẻ là các siêu thị, chuỗi cửa hàng mang lại nguồn thu chính cho công ty, thì nay gần như “đóng băng”.

Do đó, công ty này đã đẩy nhanh chuyển đổi số, tập trung vào thị trường thương mại điện tử. Dịch bệnh phức tạp, mua hàng online trở nên phổ biến hơn, đặc biệt sản phẩm bán trên Amazon tăng mạnh. Doanh thu của công ty vì thế vẫn tăng cao, mang lại lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, công ty này cũng đã nhanh chóng thay đổi sản phẩm cung ứng để thích ứng với nhu cầu thị trường. Những năm trước, các sản phẩm thời trang túi thủ công mây, tre, cói được ưu tiên sản xuất. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch bị ngừng trệ, công ty đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng trang trí nội thất bằng mây tre và các sản phẩm đồ chơi. 

“Sống trong thời dịch bệnh này, doanh nghiệp buộc phải linh hoạt. Dừng lại một ngày thôi là mình bị tụt hậu rồi”, bà Hải nói.

Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào những chính sách hỗ trợ giải cứu từ Nhà nước. Muốn tồn tại và nâng cao khả năng chống đỡ, các doanh nghiệp cần phải tự mình tìm ra những giải pháp phù hợp. 

TS Lê Duy Bình cho rằng, mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có đặc thù riêng, khả năng chống đỡ và phục hồi khác nhau. Nhưng dù bị ảnh hưởng ít hay ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp đều phải nhìn nhận và đánh giá lại thực trạng của doanh nghiệp mình về thị trường, về tài chính, từ đó có những kế hoạch cụ thể để thay đổi, thích ứng.

Doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời những tác nhân ảnh hưởng tới cung - cầu, tới thị trường như tình hình dịch bệnh, tình hình của khách hàng, các nhà cung cấp liên quan, khả năng phục hồi để đưa ra những kịch bản ứng phó khác nhau.

Nhiều trường hợp cần thẳng thắn đánh giá và xác định là có nên tiếp tục đầu tư một lĩnh vực truyền thống để duy trì không. Một số doanh nghiệp sẽ phải đưa ra kịch bản khắc nghiệt hơn, thâm chí là phải đóng cửa doanh nghiệp. Khi đó, muốn cứu doanh nghiệp, họ phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực mới. Dù kịch bản này ko phải tối ưu nhất, nhưng là tối ưu trong thời gian ngắn hạn hiện nay.

“Đã làm kinh doanh, dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp luôn phải chuẩn bị nhiều kịch bản cho mọi tình huống. Họ sẽ phải có những dự báo trong ngắn hạn và trung hạn. Việc lên nhiều kịch bản linh hoạt có thể giúp doanh nghiệp dự phòng trước, không bị bất ngờ và lâm vào tình thế bị động”, TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở cấp độ quy mô vừa và nhỏ, đều cần phải nghiêm túc đánh giá, lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro. Khủng hoảng, dịch bệnh gây giảm nhu cầu nghiêm trọng, kéo theo rủi ro hoạt động, rủi ro tài chính, thậm chí cả rủi ro pháp lý, làm đứt đoạn trạng thái kinh doanh của doanh nghiệp.

“Thực hiện phòng ngừa rủi ro của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là rất yếu. Đây là cơ hội để họ nhìn nhận lại những rủi ro đã qua để chuẩn bị tốt hơn trong giai đoạn tới, vì thị trường vẫn còn nhiều biến động bất thường”, TS. Lê Duy Bình nhận định.

Theo Đời sống
back to top