Doanh nghiệp “tê liệt” vì dịch: Hỗ trợ chưa thấy đâu, lãi và thuế đã đòi đủ?

(khoahocdoisong.vn) - Dịch bệnh kéo dài đã bào mòn sức lực của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Hoạt động "đóng băng", nóng với nợ và nộp?

Theo Tổng cục Thống kê, hết 7 tháng của năm 2021, có gần 79.673 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, hoặc chờ làm thủ tục giải thểm hay hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rời thị trường.

Trong đó có gần 40.251 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 23% so với cùng kỳ), 28.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng gần 29%), 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng hơn 27%).

Riêng tại TPHCM, trong 7 tháng từ đầu năm 2021, có 23.199 doanh nghiệp rời thị trường, chiếm 29,1% tổng số của cả nước. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh tại TPHCM giai đoạn 2016 - 2021. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, dịch Covid-19 đã làm trên 70% doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, số khác đều giảm từ 50% đến 90% doanh thu so với thời điểm trước dịch bệnh.

Ngoài ra, do chưa thể đáp ứng thực hiện "3 tại chỗ" theo yêu cầu của UBND TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KHĐT), doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tại TPHCM chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.180 doanh nghiệp, chiếm 37,7%); Xây dựng (5.491 DN chiếm 13,6%) và công nghiệp chế biến, chế tạo (4.717 DN, chiếm 11,7%).

Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, sau nhiều đợt dịch bùng phát, hoạt động của công ty hiện đã "đóng băng", nhưng các khoản lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đầy đủ. Liên lạc với ngân hàng cho vay sau khi nhận được thông tin giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu, nhưng đã vài tuần trôi qua, ông chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, công ty lại mới nhận được văn bản của cơ quan thuế yêu cầu kê khai đóng thuế GTGT quý 2/2021.

Theo nhận xét của ông Huy, các gói chính sách hỗ trợ có quá nhiều tiêu chí khiến doanh nghiệp du lịch không đáp ứng được, do thế cần thiết có gói hỗ trợ thực tế hơn. Chẳng hạn, có thể triển khai gói hỗ trợ với thủ tục đơn giản, có thế chấp bằng tài sản bảo đảm với lãi suất cực thấp từ 3 - 4%/năm, thời gian vay trong 2 - 3 năm.

"Gói này có thể giao cho một vài ngân hàng triển khai, ưu tiên cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhằm giúp họ duy trì hoạt động, góp phần giải cứu ngành du lịch. Về điều kiện, có thể yêu cầu doanh nghiệp được vay vốn chuyển dòng tiền hoạt động về tài khoản ngân hàng cho vay. Như vậy, ngân hàng sẽ nắm rõ năng lực tài chính, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích, tiêu chí...", ông Huy nêu ý tưởng và kiến nghị giảm thuế suất thuế GTGT về 5%; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1 năm...

Không ít doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường sau một thời gian chống chọi với dịch Covid-19.

Không ít doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường sau một thời gian chống chọi với dịch Covid-19.

Cấp bách hỗ trợ, nhưng cần cứu "người sống"

Ông Trần Điệp Bảo, Giám đốc Công ty CP Truyền thông B.N.N. cũng phản ánh, doanh nghiệp gần như không có nguồn thu, song vẫn phải trả lương để giữ chân nhân viên. Lo lắng sau khi hết dịch có thể cần đến cả năm để phục hồi sản xuất - kinh doanh, ông Bảo kiến nghị Nhà nước miễn, giảm thuế ít nhất 1 quý kể từ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, đồng thời miễn, giảm các loại thuế, phí trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với những năm trước, nhưng trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch khiến doanh nghiệp suy kiệt, cần thiết có thêm gói hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên chính sách hỗ trợ cần mạnh hơn nữa.

TS Cấn Văn Lực đề xuất nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho khu vực này từ ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng; lãi suất cho vay khoảng 3 - 4%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất là 1 năm; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.

"Giả sử lãi suất cho vay của ngân hàng khoảng 7 - 8%/năm, thì doanh nghiệp chỉ phải trả lãi 3 - 4%/năm, còn lại ngân sách cấp bù. Nếu ngân hàng cố gắng giảm thêm được 1 điểm phần trăm/năm cho doanh nghiệp, lãi suất ngân sách cấp bù giảm còn khoảng 3%/năm. Với gói tín dụng này, ngân sách hỗ trợ ước khoảng 2.000 tỷ đồng, con số không quá lớn nhưng sẽ rất có lợi cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông qua đó, doanh nghiệp được tăng khả năng tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để vượt qua cú sốc về dòng tiền, thanh khoản…", TS Cấn Văn Lực phân tích và cho hay nhiều nước trên thế giới đã triển khai chính sách này.

Chuyên gia này cũng cho rằng tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, Nhà nước có thể nâng quy mô gói hỗ trợ hoặc kéo dài thời gian triển khai phù hợp với nguồn lực ngân sách. Đồng thời, lưu ý gói tín dụng cho DN nhỏ và vừa phải đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ, đặc biệt khu vực vận tải, du lịch... hiện đang gần như mất thanh khoản.

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh tính khẩn cấp của các gói hỗ trợ trong tình hình hiện nay. "Chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay. Các đối tượng thụ hưởng chính sách mới cần được xem xét công bằng hơn, các gói hỗ trợ cũng phải tiếp cận theo hướng công bằng và tiêu chí dễ dàng, như thế mới thực sự thiết thực cho DN" - Phó Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.

Về triển khai cụ thể, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần phân loại đối tượng cụ thể và điều kiện của gói hỗ trợ không nên đi ngược lại nỗ lực của doanh nghiệp.

Theo đó, phải ghi nhận, hỗ trợ các doanh nghiệp đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh chứ không chỉ quan tâm đến doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh. Có những doanh nghiệp ngay cả khi được hỗ trợ vẫn không thể tồn tại được và vẫn phải rút lui khỏi thị trường. Nếu hỗ trợ những doanh nghiệp này thì nguồn lực của Chính phủ sẽ lãng phí. Do đó, phải ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phục hồi.

"Nếu mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ chi phí phòng chống dịch cho doanh nghiệp thì sẽ công bằng hơn cho các doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch", ông Hiếu nói thêm.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top