Vốn chảy về đâu?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, rủi ro lạm phát trong tầm kiểm soát. Lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ là 1,29%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng so với cùng kỳ là 0,82%, cũng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2003. Chỉ số này vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% của Quốc hội và Chính phủ đề ra, tạo dư địa trong điều hành giá trong những tháng cuối năm.
Bên cạnh tăng trưởng vĩ mô tích cực, tình hình kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp trong nước lại rất đáng lưu tâm và quan ngại. Con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh.
Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, có 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể lên tới khoảng 20.000 doanh nghiệp, tăng 20,7%, và 8.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, đây là lần đầu tiên có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn như vậy. “Hiện Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đang yêu cầu tìm hiểu xem bản chất của vấn đề này là gì, nhưng có một nhận định chung là sức khoẻ doanh nghiệp đang yếu. Họ bị Covid-19 “đánh” cho tan hoang, mất nửa phổi rồi, nên không thở tiếp được” - ông Trần Quốc Phương chia sẻ.
Chưa kể, số doanh nghiệp đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng qua giảm đến 50%, mặc dù số vốn cam kết vẫn tăng 0,8%.
Bất chấp dịch bệnh và khó khăn chung của nền kinh tế, tín dụng ngân hàng vẫn tăng trưởng tốt. Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng tăng 5,1% so với cuối năm 2020 và tăng 15,29% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 5,5 - 6%.
Có ý kiến cho rằng, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, dòng tiền sẽ đi đường vòng thông qua vay sản xuất kinh doanh, nhưng thực chất đổ vào lĩnh vực rủi ro khác.
Chẳng hạn, với số vốn đang có, doanh nghiệp thay vì đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng lại dồn vào đầu tư bất động sản thông qua một công ty thân hữu khác và được “bút toán” trong tài sản Phải thu khách hàng của doanh nghiệp. Còn số vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh lại được doanh nghiệp đi vay ngân hàng. Tất nhiên, các doanh nghiệp này dễ dàng vay vốn do có đủ điều kiện, có tài sản đảm bảo vay vốn hoặc có mối quan hệ tốt với ngân hàng.
Còn những doanh nghiệp khó khăn thì càng khó hơn trong thời điểm dịch bệnh, vì họ không còn gì để thế chấp, không đáp ứng đủ các tiêu chí khắt khe của ngân hàng đưa ra.
Doanh nghiệp sống sót thì ngân hàng mới bền vững
Phân tích về nguồn tăng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng chỉ ra 3 yếu tố: kéo giãn biên lãi ròng (NIM), thu nhập phi tín dụng và tiết kiệm được khoản lớn chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và các mục tiêu chính sách tiền tệ. Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ có lãi suất huy động là giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay vẫn ở ngưỡng cao, chênh lệch khá lớn, giúp các ngân hàng thương mại thu về khoản thu nhập lãi khủng, tăng thậm chí gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ năm trước nhờ chỉ số NIM được cải thiện.
Ngoài ra, ngân hàng cũng biết tận dụng đa dạng hoá nguồn thu từ các khoản thu dịch vụ, trong đó nổi bật là dịch vụ bán chéo bảo hiểm (bancassurance)
Yếu tố đóng góp đáng kể cho lợi nhuận ngân hàng chính là Thông tư 03. Theo thông tư mới này, NHNN cho phép ngân hàng chưa phải chuyển nhóm nợ với các khoản nợ cơ cấu lại, khoảng 357.000 tỷ đồng, nới rộng chênh lệch giữa dự phòng trên sổ sách và dự phòng cụ thể tại các Ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm. Theo lộ trình, đến cuối năm nay, các ngân hàng chỉ trích lập 30% chi phí dự phòng rủi ro cho khoản nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2022 trích lập tối thiểu 60% và đến cuối năm 2023 mới phải trích lập 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Theo đó, các ngân hàng có thể cắt giảm được rất nhiều từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, làm phình lợi nhuận lên.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh, một loạt doanh nghiệp và người lao động lâm vào cảnh “túng quẫn” mà nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận tốt, dẫn tới nhiều phản ứng tiêu cực. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng ngân hàng đang “tranh thủ” dịch bệnh để kiếm lời và hưởng lợi trên lưng của khách hàng, bất chấp tình cảnh khốn khó của nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
“Cũng cần phải đánh giá một cách khách quan, ngân hàng được ví như bộ máy tuần hoàn, huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngân hàng có thanh khoản, tăng trưởng tốt thì đó là điều đáng mừng. Thế nhưng ngành ngân hàng chia sẻ với khó khăn kinh tế như thế nào lại là vấn đề khác và cũng đáng bàn”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nếu như chỉ mình ngành ngân hàng “toả sáng” trong bối cảnh bức tranh kinh tế ảm đạm, thậm chí "âm u" thì ngân hàng cũng không thể trụ vững lâu dài. Dịch bệnh ngày càng phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng kinh tế - xã hội. Các khách hàng của ngân hàng không được hỗ trợ, ngày càng suy yếu dẫn tới phá sản, vỡ nợ thì các ngân hàng cũng sẽ lâm vào tình cảnh “điêu đứng” theo.
“Quan trọng là việc hỗ trợ doanh nghiệp làm sao cho trúng, cho đúng, để họ sống sót. Bởi doanh nghiệp có sống sót mới có việc làm, mới có thu ngân sách và mới có tăng trưởng chứ không chỉ nhăm nhăm dựa vào một vài khách hàng lớn nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.