Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo là thước đo quan trọng đánh giá năng lực đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện Việt Nam đứng ba trong Đông Nam Á về đổi mới sáng tạo, cho thấy nỗ lực ứng dụng giải pháp đổi mới dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp, phát huy năng lực tự sinh trong bối cảnh Covid-19. Điển hình như dây chuyền sản xuất khẩu trang xuất khẩu, chế tạo và phát triển kit xét nghiệm nCoV.
"Trước đây, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là 70 - 30 (70% vốn đầu tư của nhà nước và 30% vốn đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay, đầu tư của doanh nghiệp tăng lên 50%. Trong thời gian tới, chủ đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ là vai trò của các doanh nghiệp", ông nói. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng trong tổng thể năng lực sáng tạo quốc gia, thăng hạng đổi mới sáng tạo.
Theo khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam, 43% doanh nghiệp quan tâm tới đổi mới khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tham gia tạo ra nhiều áp lực về các nguyên tắc thương mại đầu tư, sở hữu trí tuệ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ, nhưng chưa rõ quy trình nên bắt đầu từ đâu. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tập trung vào phục hồi tài chính và nhân lực, việc đổi mới vẫn còn là câu chuyện của tương lai.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đề xuất những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất. Điển hình như bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp biết cần gì, quy trình giải pháp ra sao. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí và tiếp cận kho dữ liệu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng thử nghiệm với những thiết bị công nghệ mới.