Điều trị đa mô thức
Việt Nam là một trong những vùng dịch tễ về bệnh lý bướu cổ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khoảng 50% dân số có hạt giáp (nhân giáp), 10% trong số này là ung thư, căn bệnh này rơi vào nữ giới nhiều hơn. Sự chênh lệch được giải thích là do yếu tố hormon đặc thù ở nữ giới và quá trình mang thai đã kích thích sự hình thành bướu giáp và hạch tuyến giáp. Ngoài ra có rất nhiều nguyên nhân khác như thiếu iot, thừa cân, nghiện rượu, nghiện thuốc lá... hoặc do mắc bệnh tuyến giáp (bướu giáp, bệnh basedow…) đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
Đại đa số ung thư tuyến giáp phát triển tương đối chậm, do đó, nếu phát hiện và chữa sớm, tỉ lệ sống tương đối cao. Cũng có loại tỉ lệ sống rất thấp, tuy nhiên loại này tương đối hiếm gặp. Ở giai đoạn sớm, ung thư có thể không gây ra triệu chứng. Sau giai đoạn này người bệnh thường thấy: Đau ở cổ, có thể lan lên tai; Khối u ở cổ, có thể phát triển nhanh hay chậm; khó nuốt; khàn giọng hay tắt tiếng; khó thở; ho kéo dài…
ThS.BS Mai Văn Sâm, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, ung thư tuyến giáp vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng. Khi người bệnh thấy bất thường ở cổ như có khối u ở cổ, hạch cổ, cảm giác nghẹn ở cổ cần đi khám ngay. Khi phát hiện bướu giáp tình cờ qua siêu âm, qua khám sức khỏe, người bệnh cần khám ngay ở bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc nội tiết để xác định đây có phải là ung thư tuyến giáp hay không. Xét nghiệm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ sẽ đưa ra kết luận là ung thư hoặc nghi ngờ ung thư, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hay một phần tuyến giáp.
Khi bị ung thư tuyến giáp, mổ là cách điều trị tốt nhất. Có thể cắt trọn tuyến giáp hoặc gần trọn. Phẫu thuật ung thư tuyến giáp yêu cầu bác sĩ có kinh nghiệm vì nếu cắt mất hoặc gây hư hại các tuyến cận giáp sẽ gây chứng hạ canxi máu. Chạm dây thần kinh làm liệt dây thanh âm, giọng khàn, giọng nhỏ đi hoặc khó thở.
Điều trị ung thư tuyến giáp là phương thức điều trị đa mô thức, tức là phải phối hợp nhiều phương thức điều trị với nhau để có kết quả tối ưu. Người bệnh có thể được phẫu thuật cắt tuyến giáp, xạ trị với iốt phóng xạ. Ngoài ra, người bệnh được trị liệu bằng nội tiết trong nhiều năm để ngăn chặn các tế bào ung thư còn sót lại, giúp giảm tỷ lệ tái phát hay làm chậm lại thời gian tái phát.
Bổ sung iốt cho người ung thư tuyến giáp
Vì ung thư tuyến giáp chủ yếu do thiếu iốt nên người bệnh cần bổ sung chất này. Theo các chuyên gia, tuyến giáp rất cần iốt để sản sinh ra các hormon cần thiết. Iốt sẽ giúp cân bằng tuyến giáp và giảm sự hình thành của ung thư. Việc ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng iốt cao như các loại thủy hải sản, tảo, rong biển là cần thiết.
Đối với các loại rau, nên ưu tiên rau có lá màu xanh như rau diếp cá, chân vịt là những loại rau giàu magiê và khoáng chất, có vai trò quan trọng trong các hoạt động trao đổi của tuyến giáp. Đối với các loại hạt, nên ăn nhiều hạt điều, hạnh nhân, hạt bí vì đây là loại hạt giàu magiê, tốt cho tuyến giáp. Khi ăn các loại hạt sẽ bổ sung cho cơ thể protein thực vật, kẽm, vitamin E, vitamin B. Những chất này sẽ giúp tuyến giáp hoạt động tốt hơn. Đối với hải sản, đây là nguồn thực phẩm quan trọng, giàu iốt, kẽm, omega 3, vitamin B… những chất này đều rất tốt cho tuyến giáp.
Nếu có thể, người ung thư tuyến giáp nên ăn thay thịt bằng cá để cung cấp nhiều vi chất cần thiết. Đối với hoa quả, nên ưu tiên các loại quả mọng nước như cam, dưa hấu, táo, vừa cung cấp nước cho cơ thể, cung cấp vi chất, đây cũng là loại quả ít đường, không làm ung thư phát triển nhanh.