"Nhập nhèm" công ty tài chính
Ngày 18/10, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có tình trạng một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty fintech cho vay online, các App cho vay (không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng)... tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm, đánh đồng với các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Ảnh minh họa, nguồn: vietnamplus.vn |
Thực tế, số liệu thống kê từ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tình hình đã có nhiều chuyển biến.
Tính đến tháng 4/2022, cả nước có 25.354 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, với 37.103 cá nhân, giảm 2.645 cơ sở và 4.864 người so với hồi 2019. Cũng trong giai đoạn này, cơ quan điều tra đã rà soát, phát hiện 7.903 cơ sở cầm đồ, 691 cơ sở kinh doanh tài chính và 3.941 cá nhân cho vay lãi suất cao; 37 cơ sở, 46 cá nhân huy động lãi suất cao; 762 cá nhân tham gia hụi, họ; 13 cơ sở, 140 băng nhóm, 730 đối tượng dịch vụ đòi nợ; 1.874 cá nhân có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen.
Hàng trăm, hàng nghìn cơ sở dịch vụ, đối tượng đã bị nhà chức trách khởi tố, xử phạt hành chính.
16 Công ty tài chính được cấp phép
Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chính thức, hướng tới đẩy lùi tín dụng đen, tránh tình trạng "tín dụng đen" trá hình len lỏi vào đời sống xã hội, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, hoặc trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2022 đã cấp phép hoạt động cho 16 công ty tài chính hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.337 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc...
Ảnh minh họa, nguồn: vietnamplus.vn |
Cụ thể 16 công ty tài chính được cấp phép gồm: Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC có vốn điều lệ 10.928 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Điện Lực 3.245 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH HD Saison (100% vốn nước ngoài) vốn điều lệ 2.350 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Home credit Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 2.050 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ 2.523 tỷ đồng;
Tiếp đến là, Công ty tài chính TNHH MB Shinsei 1.300 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội 1.000 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 1.314 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện 1.050 tỷ đồng.
Còn lại nhóm các công ty tài chính có vốn điều lệ thấp hơn 1.000 tỷ đồng là: Công ty tài chính TNHH một thành viên Cộng Đồng (tên cũ: Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam) 500 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Handico 550 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam) (100% vốn nước ngoài) 700 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 615 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam JACCS (100% vốn nước ngoài) 900 tỷ đồng; Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam (100% vốn nước ngoài) 700 tỷ đồng; Công ty tài chính cổ phần Tín Việt 687,9 tỷ đồng.