"Điểm mặt" 5 bệnh về da dễ gặp vào mùa mưa

Mưa nhiều kèm theo thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc sinh sôi nảy nở, gây các bệnh về da.

Vào mùa mưa lũ, lượng nước bị ứng đọng gây ngập lụt kèm các chất thải làm nguồn nước bị nhiễm bẩn từ đó tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da.

Một số loại vi khuẩn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, ướt cũng gây nên bệnh ngoài da. Với những cơn mưa rải rác làm bốc hơi các yếu tố gây hại và tồn tại lơ lửng trong không khí khiến da con người dễ bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

"Điểm mặt" 5 bệnh về da dễ gặp vào mùa mưa. Ảnh minh họa

"Điểm mặt" 5 bệnh về da dễ gặp vào mùa mưa. Ảnh minh họa

Dưới đây là các loại bệnh da liễu thường gặp vào mùa mưa:

Viêm nang lông

Viêm nang lông (tên khoa học là folliculitis). Đây là tình trạng viêm lông một hoặc nhiều nang lông. Mùa mưa khiến da ẩm ướt là một trong số những yếu tố thuận lợi gây bệnh.

Tổn thương là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có đóng vảy tiết, không đau, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi.

Viêm da tiếp xúc

Mưa kéo dài khiến cho nguồn nước chứa nhiều tác nhân gây viêm da tiếp xúc với các triệu chứng mẩn đỏ, ngứa ngáy, mụn nước, rất khó chịu.

Để phòng ngừa viêm da tiếp xúc, bạn nên tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng. Đặc biệt là nên hạn chế tiếp xúc với nước mưa.

Nếu bạn đã bị viêm da tiếp xúc, cần giữ khô các vết thương để tránh bị các bệnh về da thứ phát. Đồng thời, bạn nên tới các cơ sở y tế thăm khám để tìm ra nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh mề đay

Khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh mề đay, vào mùa mưa, khí hậu lạnh kèm nước mưa thấm vào người rất dễ làm nổi mề đay.

Biểu hiện của bệnh nổi mề đay là trên da xuất hiện những mảng cứng có màu hơi hồng, giữa mảng có mụn nước nhỏ, kích thước thay đổi từ 1-2cm. Mề đay có thể nổi ở bất cứ vị trí nào, nhưng vùng da hở như tay, chân, mặt khiến bệnh nhân ngứa nhiều.

Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ rất phổ biến, đặc biệt là ở những vùng dân cư đông đúc vì có thể lây qua tiếp xúc da.

Trong điều kiện vệ sinh kém vào mùa mưa, bệnh ghẻ có thể lây lan nhanh hơn.

Các vị trí trên cơ thể dễ bị bệnh ghẻ là các kẽ ngón tay, ngón chân, nếp gấp cổ, mặt trong đùi, bẹn…

Để phòng ngừa bệnh ghẻ, bạn không nên tiếp xúc qua da hoặc sử dụng chung đồ dùng với những người đã mắc bệnh này. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

Để điều trị ghẻ, bạn nên sử dụng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Viêm kẽ ngón chân do nấm

Bệnh thường xảy ra ở ngón thứ 4, 5. Bệnh phát triển nhiều hơn vào mùa mưa đặc biệt là những người để chân ướt, hoặc ngâm chân ở vùng nước bẩn. Lúc này các loại nấm như nấm men Candida gặp điều kiện thuận lợi ẩm ướt sẽ phát triển và gây bệnh.

Bệnh về da do côn trùng

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho côn trùng phát triển như rệp, muỗi, kiến ba khoang. Sau khi bị côn trùng đốt hoặc tiếp xúc dịch tiết của chúng, trên da sẽ xuất hiện nhiều sẩn đỏ, ở giữa có mụn nước, mụn mủ. Một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân do dính độc tố kiến ba khoang.

Do đó, người bệnh cần tránh nhầm lẫn giữa mẩn đỏ do tiếp xúc kiến ba khoang và bệnh zona rồi tự ý mua thuốc thoa lên da. Vết bỏng do kiến ba khoang không nguy hiểm và có thể tự khỏi nhưng nếu xử lý không phù hợp, tình trạng tổn thương da sẽ nặng hơn.

Cách phòng ngừa

Trong các bệnh về da vào mùa mưa kể trên, một số bệnh có thể tự khỏi nếu được chăm sóc, vệ sinh tốt. Tuy nhiên đa số các trường hợp cần được điều trị với thuốc uống và thuốc bôi phù hợp để khỏi bệnh hoàn toàn cũng như phòng lây lan.

Để phòng ngừa bệnh ngoài da, mọi người cần:

Vệ sinh môi trường sống, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các nguồn nước bẩn, các nguồn nước tù đọng lâu ngày. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Mang các dụng cụ bảo hộ nếu bạn phải đi vùng vùng nước ngập

Không mặc áo quần ẩm ướt.

Tránh tiếp xúc với nước lũ nếu bạn có vết thương hở. Nếu tiếp xúc phải rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch

Làm sạch và băng kín vết thương bằng băng chống thấm nước để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nên trang bị một số dung dịch sát khuẩn như oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B... để rửa vết thương trước khi bôi thuốc hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

Người đã bị bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh để tránh lây lan cộng đồng. Tránh gãi để hạn chế làm tổn thương lan rộng. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách.

Theo Đời sống
back to top