Hỏi: Sau khi chứng kiến một vụ nổ mìn, tai tôi nghe kém và dần mất hẳn chức năng nghe. Xin hỏi, bệnh của tôi có chữa được không?
Lê Thanh Vân (Nghệ An)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi họng T.Ư: Khi có một vụ nổ, áp lực không khí thay đổi đột ngột và chấn thương âm thanh gây ra điếc. Điếc do chấn thương âm thanh là sự giảm sút thính giác vĩnh viễn do sự tiếp xúc với âm thanh gây ra, có thể âm thanh cường độ rất mạnh trong thời gian ngắn (tiếng súng, tiếng bom, tiếng mìn, tiếng sét lúc nghe điện thoại…) hoặc tác động của cường độ âm thanh lớn liên tục hoặc cắt quãng trong thời gian dài (trong các nhà máy, động cơ phản lực…). Thường được gọi là điếc nghề nghiệp.
Sự giảm sút thính lực phụ thuộc vào từng cá thể, cường độ, thời gian, nhịp độ tiếp xúc với tiếng ồn. Sự giảm sút thính lực này thường bắt đầu từ tần số 4.000Hz tức là giữa vòng xoắn ốc của người. Nói chung tiếng ồn có tần số cao có hại hơn tiếng ồn có tần số trầm. Dần dần sự giảm sút thính lực mở rộng ra các tần số khác, cuối cùng có thể toàn bộ ốc tai bị thương tổn, nhất là tiếng động mạnh, tiếp xúc lâu dài.