Đề thi Ngữ văn năm nay gồm 2 phần chính: nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Mỗi phần có các câu hỏi nhỏ dựa vào nội dung đã được trích dẫn. Các câu hỏi được đưa theo từng mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao.
Trong đó, Phần I: 1 (1,0 điểm), 2 (4,0 điểm), 3 (1,0 điểm)
Phần II: 1 (1,5 điểm), 2 (2,5 điểm)
Nhìn chung, đề thi được đánh giá là bám sát với nội dung chương trình cơ bản, phù hợp với khung thời gian 90 phút. Thí sinh học chắc kiến thức hoàn toàn có thể đạt mức điểm tốt.
Vừa sức với học sinh
Chia sẻ với Dân Trí, sinh viên Nguyễn Hồng Nhung, ngành sư phạm Văn cho biết: "Theo tôi, đề thi này có cấu trúc ổn. Đề được chia làm hai phần rõ ràng, hầu hết các dữ liệu đều lấy từ sách giáo khoa. Ở câu 1, ngữ liệu chính được lấy từ bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu. Còn đối với câu 2, ngữ liệu đọc hiểu cũng được trích từ một văn bản trong sách Ngữ văn lớp 9 tập 2, rất quen thuộc và gần gũi với học sinh".
Nhận định về đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn tại Hà Nội năm 2021, cô Đỗ Thị Hà (giáo viên cấp 2 môn Ngữ văn) cho rằng, đề thi năm nay hoàn toàn không khó, vừa sức với học sinh.
"Nhìn chung, đề thi này đã được điều chỉnh về dung lượng và độ khó, phù hợp với thời gian 90 phút làm bài và tinh thần "giảm tải" nói chung trong điều kiện một năm học gặp nhiều khó khăn, gián đoạn do dịch bệnh".
Theo cô Hà, ở phần 1, với bài thơ "Đồng chí", học sinh đã được học và ôn luyện trực tiếp. Những hình ảnh có trong dữ liệu cũng dễ hiểu, dễ cảm nhận. "Nếu ôn luyện tốt, các em học sinh sẽ dễ dàng đạt điểm cao ở phần câu hỏi này" - cô Hà nhấn mạnh.
Nhà giáo này cũng cho rằng, câu 2 nghị luận xã hội rất hay và ý nghĩa. "Câu lệnh "Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với những hiểu biết xã hội, hãy trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?" đã tạo hướng mở trong suy nghĩ của các em học sinh. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được viết ra những trải nghiệm và suy nghĩ của mình về giá trị của tri thức".
Đồng quan điểm, giáo viên Trần Thùy Liên (Hà Nội) bày tỏ, câu 2 của đề thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ mang tính định hướng cho học sinh, câu chủ đề "Tri thức làm nên giá trị con người" còn như một lời nhắc nhở, động viên các em học sinh hãy luôn trau dồi kiến thức và trí tuệ cho chính mình, đặc biệt trong bối cảnh xã hội không ngừng hội nhập, vận động và phát triển.
Đề quá khuôn mẫu, thiếu đi sự đột phá
Khẳng định thông điệp nhân văn mà đề thi đem lại, song giáo viên Trần Thùy Liên lại cũng cho rằng, đề thi Văn năm nay quá an toàn và thiếu tính đột phá.
"Nhìn chung, đề thi này khá cơ bản. Những câu hỏi mà đề thi đưa ra không có gì lắt léo, học sinh có thể dễ dàng nhìn nhận vấn đề. Theo tôi, độ phân hóa của đề thi này cũng chỉ nằm ở mức vừa phải. Học sinh trung bình cũng có thể đạt được 5-7 điểm với đề Văn này" - cô Liên đánh giá.
Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn Trường Phổ Thông Hermann Gmeiner (Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề thi vẫn giống mọi năm chỉ là số câu được rút gọn và yêu cầu đề cũng nhẹ nhàng hơn, không mang tính đánh đố, đảm bảo kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân loại ở phần 2 với câu 1 giúp học sinh có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình để từ đó khẳng định giá trị của tri thức trong cuộc sống.
Theo cô Phượng, ở câu 2, cấu trúc có thể là đoạn văn hoặc bài văn với 2/3 trang giấy. Chắc chắn phần lớn học sinh sẽ viết đoạn văn. Đây cũng là một câu có sức phân loại bởi nó mang tính phản đề được thể hiện dạng câu hỏi "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?". Với đề thi này, phổ điểm học sinh có thể đạt 6,5 - 7 điểm.
Sinh viên Nguyễn Hồng Nhung cũng cho biết: "Thường xuyên theo đề thi Văn qua các năm, bản thân mình nhận thấy đề thi này không quá mới mẻ. Cách đặt vấn đề trong đề thi vẫn còn theo khuôn mẫu, khó để học sinh phát huy tính sáng tạo".
Đưa ra một cái nhìn khác, giáo viên Đỗ Thị Hà cho rằng, hầu hết thí sinh có thể đáp ứng được yêu cầu của đề, tuy nhiên, để đạt điểm cao thì không phải điều đơn giản.
"Đối với câu 1, mặc dù là một dạng đề quen thuộc, tuy nhiên, với lượng kiến thức lớn, cộng với tâm lý lo lắng trong phòng thi, chắc chắn nhiều em sẽ phân tích thiếu sót. Đặc biệt, ở câu 2, điểm làm nên sự khác biệt chính là tư duy phản biện. Bên cạnh việc khẳng định "tri thức làm nên giá trị con người", thì các em phải xác định được đúng trọng tâm và cũng cần đi sâu liên hệ thêm những yếu tố khác ngoài tri thức, giúp làm nên giá trị con người. Có như vậy, bài thi mới có chiều sâu và đạt được điểm cao" - cô Hà chia sẻ.