Đề xuất giữ nguyên 11 tỉnh, 52 tỉnh còn lại cần sáp nhập là phù hợp

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên, 52 tỉnh còn lại thuộc diện phải sắp xếp là hợp lý.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, có 6 tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã gồm diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tiêu chí về địa kinh tế, địa chính trị, quốc phòng an ninh.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Dự thảo cũng quy định không thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi hoặc đơn vị hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo đó, dự kiến có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Sắp xếp 52 tỉnh, giữ lại 11 tỉnh là hợp lý”

Theo Nghị quyết 1211, đơn vị hành chính cấp tỉnh phải đáp ứng ba tiêu chuẩn về diện tích, dân số, số đơn vị hành chính cấp huyện. Tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000 km2, dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2, dân số 1,4 triệu. Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500 km2, dân số 1 triệu. Tất cả tỉnh, thành phố đồng thời phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên. Do đó, các tỉnh, thành phố chưa đạt 100% tiêu chuẩn đơn vị cấp tỉnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính thì phải sáp nhập.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Có một số tỉnh, thành dù chưa đạt tiêu chí về dân số, nhưng lại có diện tích rộng. Trong số các tỉnh, thành này, Hà Nội đã từng hợp nhất với Hà Tây, diện tích hơn 3000km2, vùng Thanh Hóa, Nghệ An diện tích cũng rộng, dân số đông, vùng phía bằng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La…diện tích đều rất rộng. Sáp nhập đơn vị hành chính cũng đảm bảo diện tích, dân số nhất định, nếu rộng lớn quá cũng rất khó, nhất là vùng miền núi, biên giới phía Bắc. Tôi cho rằng việc giữ nguyên 11 tỉnh, thành này là phù hợp.

Theo chỉ đạo chung của Đảng, Trung ương theo kết luận 126, 127, sắp xếp lại các đơn vị hành chính tỉnh để đảm bảo không gian dư địa để phát triển, tinh gọn bộ máy hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, chỉ còn chính quyền 2 cấp. Việc này sẽ tạo cho bộ máy hành chính gần dân, sát dân hơn, giải quyết cho dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, cũng sắp xếp lại cấp xã dự kiến 9.996/10.035 đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp, còn khoảng dưới 3.000 đơn vị xã. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong tinh gọn, sắp xếp bộ máy.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam: “Sáp nhập các đơn vị hành chính, mục tiêu vì sự phát triển”

Tôi đánh giá cao những điểm mới về tiêu chí sáp nhập trên. Bởi việc sắp xếp không chỉ căn cứ vào các tiêu chí đơn thuần trước đây như về quy mô dân số, diện tích mà còn phải chú trọng đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, mở rộng không gian phát triển gắn với vùng kinh tế - xã hội. Đây cũng là điểm khác về tư duy sáp nhập không còn theo lối mòn, không chỉ dừng lại ở mục tiêu tinh gọn mà đã vươn xa hơn về tầm nhìn, đó là sáp nhập để đạt mục tiêu cuối cùng là phát triển và hưng thịnh. Việc sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã nhằm tạo ra không gian mới, tạo ra động lực mạnh mẽ để địa phương, vùng và đất nước phát triển.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam

Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập chỉ còn khoảng 34 tỉnh, thành phố là để tạo không gian phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các địa phương (sau sáp nhập) về vị trí địa lý, tài nguyên, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nguồn nhân lực và các tiềm năng lợi thế khác... Sau sáp nhập, có địa phương trở thành động lực phát triển vùng; có địa phương sẽ trở thành cực tăng trưởng. Vì vậy, nên quan tâm, chú trọng điểm cốt lõi, căn bản nhất là xóa bỏ cấp trung gian, tổ chức chính quyền địa phương theo 2 cấp một cách khoa học, phù hợp yêu cầu thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển của đô thị, của nông thôn và miền núi, vùng sâu. Chúng ta phải thống nhất nhận thức rằng, sáp nhập các đơn vị hành chính, dù là cấp xã hay cấp tỉnh, đều phải lấy mục tiêu vì sự phát triển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam (VUSTA): “Ưu tiên tối đa việc hình thành các tỉnh có biển”

Mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập tỉnh thành là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển. Việc sáp nhập tỉnh thành sẽ tạo ra không gian và dư địa phát triển mới, giải quyết nhiều vấn đề tồn tại trong liên kết vùng và sự liên thông tự nhiên giữa các khu vực. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sáp nhập là phải xóa bỏ được thực trạng phân mảnh lãnh thổ tự nhiên bởi đây chính là nền tảng vững chắc để duy trì sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam (VUSTA)

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam (VUSTA)

Theo tôi, bên cạnh các tiêu chí truyền thống về điều kiện tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên tắc sáp nhập tỉnh, thành lần này cần được tiếp cận dựa trên tư duy tổ chức lại lãnh thổ. Đây là cuộc cách mạng tổ chức lại lãnh thổ quốc gia, tạo điều kiện cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Ví dụ cụ thể như trường hợp vịnh Cam Ranh, một khu vực có tiềm năng to lớn nhưng hiện thuộc địa phận của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, gây ra những thách thức không nhỏ trong quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lực.

Tôi đề xuất nguyên tắc then chốt cho sáp nhập tỉnh thành là ưu tiên tối đa việc hình thành các tỉnh có biển, đồng thời thiết lập mối liên kết chiến lược giữa biển và đất liền - tỉnh biển sáp nhập với tỉnh núi rừng hoặc tỉnh duyên hải với nội địa. Đây được xem là chìa khóa để khai thác triệt để sức mạnh biển, mở ra một kỷ nguyên phát triển cân bằng và bền vững cho Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng biển rất lớn với bờ biển dài và vùng đặc quyền kinh tế rộng, bên cạnh phần diện tích đất liền với đa dạng địa hình núi rừng và đồng bằng, ven biển. Sự tương hỗ giữa các vùng biển, đồng bằng và núi rừng này cần được khai thác trong quá trình sáp nhập tỉnh thành, nhằm tạo "thế và lực mới" cho sự phát triển toàn diện của các địa phương.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cả nước chỉ còn 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh là giữ nguyên, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp gồm có 4 TP là Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ; 48 tỉnh là Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.

Chi tiết 6 tiêu chí sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh:

Diện tích tự nhiên và quy mô dân số: Thực hiện sắp xếp đối với ĐVHC cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27)

Lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc: ĐVHC cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.

Địa kinh tế: ĐVHC cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.

Địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.

Quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.

Theo VietnamDaily
back to top