Trên cơ thể có 12 kinh cân là một bộ phận của hệ kinh lạc, là nơi mà kinh khí của 12 kinh mạch kết tụ, phân tán và liên lạc với cơ khớp. Đường đi và biểu hiện bệnh lý của chúng đều thuộc về gân cơ (co rút, mềm nhũn). 12 kinh cân là hệ gân cơ của cơ thể, có tác dụng sắp nối các xương khớp với nhau, tham gia duy trì sự liên lạc toàn thân, khi một kinh cân bị đau các bộ phận nó đi qua sẽ bị ảnh hưởng.
Kinh cân phân bố ở chân tay, thân, khoang bụng và ngực, bắt đầu ở chi và đến thân, đầu, đa số rất rắn chắc và phân bố ở cổ tay khuỷu, nách, vai, cổ chân, gối, háng, đùi, cột sống, số ít rất mềm yếu và phân bố ở đầu, khoang ngực bụng. Tác dụng của kinh cân là sắp nối các xương với nhau, tham gia duy trì liên lạc toàn thân. Khi chữa bệnh kinh cân, cần tìm những điểm đau lấy chúng làm “huyệt” để chữa.
3 kinh thái dương ở tay
Kinh cân thái dương ở tay: Đường đi bắt đầu từ phía ngoài ngón út kết ở cổ tay, đi dọc mặt trong cẳng tay lên kết ở sau lồi cầu trong xương cánh tay, đi lên kết ở dưới nách; phát nhánh đi ra sau nách lên vành tai, dọc cổ đi ra trước kinh thái dương ở chân kết ở hoàn cốt (mỏm trâm trũm), phân nhánh đi vào tai, đường kinh đi thẳng lên ra ngoài ở trên tai, xuống kết hàm rồi lên nối với đuôi mắt.
Biểu hiện bệnh lý: Ngón út co đau ở mặt trong khuỷu, co kéo đau lên đến dưới nách, sau nách, vòng qua vai đau lên cổ, tai ù và đau, co kéo làm hàm cũng đau, mắt mở khó.
Kinh cân thiếu dương ở tay: Bắt đầu từ phía ngoài đầu ngón tay thứ 4 kết ở cổ tay, dọc giữa cánh tay, kết ở khuỷu tay; Đi mặt ngoài cánh tay lên vai, lên cổ hợp với kinh cân thái dương ở tay. Nhánh của nó xuống góc hàm rồi vào cuống lưỡi; nhánh khác đi vòng răng lên trước tai, nối với đuôi mắt qua trái kết ở góc trán.
Biểu hiện bệnh lý: Đau, chuột rút dọc đường đi của kinh và rụt lưỡi.
Kinh cân dương minh ở tay: Đường đi bắt đầu từ ngón tay trỏ kết ở cổ tay, dọc cẳng tay lên kết ở mặt ngoài khuỷu tay, lên vai, kết ở huyệt Kiên ngung. Nhánh vòng qua vai kẹp ở hai bên cột sống. Nhánh thẳng từ Kiên ngung lên cổ. Ở đây tách ra một nhánh lên qua má kết ở phía trong xương gò má. Đường kinh thẳng ra trước kinh cân thái dương ở tay lên góc trán, lên đầu và vòng sang hàm bên kia.
Biểu hiện bệnh lý: Đau chuột rút dọc đường đi của kinh, tay không dơ cao lên được, cổ quay khó, không nhìn hai bên được.
3 kinh thái âm ở tay
Kinh cân thái âm ở tay: Đường đi bắt đầu từ phía ngoài đầu ngón tay cái đi dọc ngón cái, kết ở Ngư tế (mô cái) đi phía ngoài thốn khấu (động mạch quay) dọc lên hố trên lên kết ở giữa khuỷu, đi ở mặt trước cánh tay, vào dưới nách, lên hố trên đòn, xuống kết ở trong ngực phân tán ở tâm vị hợp lại và đến lườn.
Biểu hiện bệnh lý: Chuột rút đau ở ngón cái và vùng kinh thái âm ở tay đi qua: đau cánh tay, hố nách, xương đòn, ngực..., nặng có thể co thắt ở lườn, gây nôn ra máu.
Kinh cân quyết âm ở tay: Đường đi bắt đầu từ ngón giữa đi lên kết hợp cùng với kinh cân thái âm ở tay (bắt đầu từ phía ngoài đầu ngón tay cái), kết hợp phía trong khuỷu tay đi ở mặt trước cánh tay, kết ở dưới nách, đi xuống phân bố ở trước sau sườn. Nhánh của nó vào nách phân tán ở trong ngực, kết ở tâm vị dưới cơ hoành.
Biểu hiện bệnh lý: Chuột rút đau ở ngón tay giữa chạy lên đường đi của kinh cân quyết âm ở tay đi qua gây đau cánh tay, khuỷu tay, hố nách, đến xương đòn, ngực (vùng dưới cơ hoành)..., nặng có thể co thắt ở lườn, gây nôn ra máu.
Kinh cân thiếu âm ở tay: Đường đi bắt đầu ở mặt trong ngón út, kết ở cổ tay (xương đậu) lên kết ở phía trong mặt trước khuỷu tay, đi lên dưới nách, giao hội với cân của kinh thái âm, đi vào trong vú kết ở trong ngực, qua tâm vị xuống liên hệ với rốn.
Biểu hiện bệnh lý: Gân ở trong co rút động đến dưới vùng tim. Nếu gân ở chi trên có bệnh thì khuỷu tay co rút như dùng sức kéo lưỡi. Đau, chuột rút ở trên đường đi của kinh.